Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm nay, 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn ở cả 3 vụ dự kiến là gần 200.000 ha, tăng gần 60.000 ha so với năm 2014.
Tuy nhiên, việc thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua lúa tại cánh đồng lớn dự báo gặp nhiều khó khăn.
Hiện, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định 606/QĐ-BCT về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.
Mục tiêu đặt ra là tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gắn hoạt động chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo của thương nhân với sản xuất lúa của nông dân.
Theo đó, thương nhân không thực hiện dự án, phương án, kế hoạch đã phê duyệt, không thực hiện hợp đồng đã ký hoặc không tổ chức mua lúa, gạo hàng hóa được sản xuất từ vùng nguyên liệu theo hợp đồng đã ký sẽ bị xem xét, xử lý theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với nông dân trồng lúa, đại diện của nông dân không thực hiện đúng quy trình sản xuất, không bán lúa, gạo cho thương nhân sẽ đề nghị đến chính quyền, đoàn thể địa phương xem xét, có biện pháp xử lý phù hợp.
Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, đôn đốc, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn thuộc phạm vi được phân công trong việc hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, tiêu thụ lúa trên cánh đồng lớn.
Vụ lúa Đông Xuân 2014-2015, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 130.000 ha, đạt trên 77% kế hoạch. Diện tích ký hợp đồng thu mua hơn 61.000 ha, đạt khoảng 47% diện tích. Trong đó, thành phố Cần Thơ đứng đầu với diện tích ký hợp đồng thu mua gần 18.000 ha, tiếp theo là tỉnh Đồng Tháp gần 13.000 ha, Long An hơn 12.000 ha, Kiên Giang đạt 5.000 ha, Trà Vinh gần 4.000 ha, Bạc Liêu đạt hơn 3.000 ha, Tiền Giang gần 3.000ha, Hậu Giang là 2.500 ha.
Bốn tỉnh Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau không ký kết được hợp đồng thu mua./.