Đồng bằng sông Cửu Long có 'tự trói chân' trong phát triển kinh tế?

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, với nhiều ràng buộc và hạn chế như hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể khôi phục trở lại nguồn lực tăng trưởng.
Công nhân khai báo y tế trong ngày đầu tiên trở lại công ty làm việc. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Hiện nay, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã kiểm soát, khống chế khá tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, tỉnh, thành nào cũng lo sợ dịch bùng phát trở lại nên các địa phương trong khu vực đang tự "trói chân mình" trong phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) với nhiều ràng buộc và hạn chế như hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể khôi phục trở lại nguồn lực tăng trưởng.

Theo ông Lam, từ giữa tháng Chín, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản kiểm soát được dịch và tiến tới bỏ áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tổng hợp từ các địa phương, hiện các doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất nhưng mới đạt tỷ lệ từ 30-50% số doanh nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh; trong đó số doanh nghiệp có quy mô lao động lớn vẫn chưa nhiều, bình quân từ 250-300 doanh nghiệp với công suất từ 20-40% tùy từng địa phương do thiếu lao động và các quy định quản lý khác nhau ở mỗi nơi.

Cụ thể, tỉnh Long An mạnh dạn để doanh nghiệp mở cửa rồi tiến hành kiểm tra. Tỉnh Bến Tre áp dụng kế hoạch từng bước sống chung với dịch COVID-19. Tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng áp dụng rất sớm Chỉ thị 19 để doanh nghiệp được tối đa sản xuất. Tỉnh Tiền Giang chia làm 3 giai đoạn áp dụng, trong khi Hậu Giang áp dụng Chỉ thị 19 nhưng hạn chế cho người qua lại giữa các huyện nếu còn dịch. Tại thành phố Cần Thơ, doanh nghiệp phải đăng ký và được duyệt mới cho sản xuất...

[Thủ tướng: Khẩn trương, tập trung hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh]

Điểm chung hiện nay ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là mở cửa nhưng mới chỉ cho phép đi lại trong nội tỉnh còn bên ngoài vào phải theo quy định riêng. Những rào cản này làm cho doanh nghiệp trong vùng, nhất là các khu công nghiệp hay các nhà máy đặt giáp ranh giữa các tỉnh, không có công nhân đi làm do bị quy định từ địa phương khác.

Mặt khác, theo ông Lam, người dân và doanh nghiệp cũng rất bức xúc khi những quy định của các địa phương không đồng nhất với nhau. Có nơi quy định 2 mũi vaccine và phải xét nghiệm COVID-19 sau 72 hoặc 48 giờ mới được phép vào tỉnh. Có tỉnh buộc cách ly 7 ngày, một số tỉnh lên tới 14 ngày, không ít tỉnh buộc phải có được giấy phép đồng ý từ Ủy ban Nhân dân tỉnh mới được vào.

Theo ông Trịnh Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Vận tải Ngọc Lan (chuyên nhận hàng hóa ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh về giao hàng cho các doanh nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây), bên cạnh những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua, điều gây khó lớn nhất hiện nay là việc thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần cho tài xế.

Theo ông Sơn, với 60 tài xế, nếu tính cả phụ xe là hơn 80 người, trung bình mỗi tháng, chi phí test nhanh công ty phải bỏ ra để xét nghiệm COVID-19 là khoảng từ 300 đến 350 triệu đồng (238.000 đồng/lần).

Do đặc thù là hoạt động liên tỉnh nên mỗi khi giấy chứng nhận âm tính gần hết hạn là tài xế phải tìm chỗ để xét nghiệm ngay mới đảm bảo quy định để được giao nhận hàng hóa. Thậm chí, có nơi khi lái xe đến chốt kiểm soát vào tỉnh vẫn bị yêu cầu xét nghiệm lại, dù giấy chứng nhận vẫn còn thời hạn. Tình trạng này khiến nhiều lái xe nản, xin nghỉ việc dù họ đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Tài xế phải xét nghiệm liên tục để đảm bảo quy định được giao nhận hàng hóa. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Việc quản lý nghiêm ngặc người dân, công nhân, cán bộ ra vào tỉnh không những gây khó khăn trong phát triển kinh tế mà còn gây khó khăn trong công việc làm hàng ngày của các cán bộ, nhân viên đi làm việc ngoài tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ (đóng tại số 719, khu vực Xẻo Vông C, phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), việc đi lại làm việc từ Cần Thơ xuống đơn vị tại tỉnh Hậu Giang của ông và các nhân viên khác thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn viên chức, người lao động của cơ sở là người ở Hậu Giang, còn lại 11 người đang sinh sống tại Cần Thơ.

Mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc hỗ trợ lao động Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ qua chốt để xuống đơn vị làm, phía Hậu Giang có văn bản thống nhất nhưng lại quy định ngày cụ thể và con người cụ thể đi trong ngày đó (thay vì thống nhất 11 người có tên trong danh sách, còn việc đi lại phụ thuộc tính chất yêu cầu nhiệm vụ thì thuận lợi cho việc di chuyển đi làm).

Mặt khác, trước đây, Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Ngã Bảy về việc xin hỗ trợ tiêm ngừa vaccine mũi 2 cho lao động hoặc cho người lao động lên Cần Thơ tiêm nhưng đến nay chưa thấy phản hồi. Hiện số lao động này đã quá hạn tiêm mũi 2 hơn 12 tuần nên rất cần được hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, chủ trương của Chính phủ là phải thận trọng trong việc mở cửa nhưng phải linh hoạt để tạo điều kiện tốt nhất có thể. Một cách nào đó, mở cửa trong thế chủ động, có kiểm soát để tránh nguy cơ bùng dịch chứ không phải mở cửa trong sự lo lắng rồi ràng buộc hoặc hạn chế nhiều điều không phù hợp bối cảnh thực tế của xã hội.

Ngay lúc này, các tỉnh Tây Nam Bộ đang cần một sự thống nhất về cách mở cửa và hợp tác giữa các tỉnh, thành để bắt đầu công cuộc tái thiết kinh tế vùng. Nếu không, mọi nơi đều chạy, riêng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục ì ạch bởi tự "trói chân mình"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục