Đồng bằng sông Cửu Long có thể tổn thất hàng tỷ USD từ cá trắng

Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị thiệt hại hàng tỷ USD chỉ tính tổn thất từ nguồn cá trắng do tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
Đồng bằng sông Cửu Long có thể tổn thất hàng tỷ USD từ cá trắng ảnh 1Nhiều thác thức trên dòng chính sông Mekong. (Ảnh: HC/Vietnam+)

Mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị thiệt hại hàng tỷ USD chỉ tính tổn thất từ nguồn cá trắng do tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Điều đáng nói là, tổn thất từ nguồn cá trắng sẽ vĩnh viễn, không phục hồi được và chỉ riêng tổn thất này đã có thể lớn hơn lợi ích về năng lượng do các đập này mang lại.

Đây là một trong những cảnh báo vừa được các chuyên gia nghiên cứu khoa học đưa ra tại tại buổi Tọa đàm “Thủy điện Don Sahong và thách thức đối với Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội.

Theo ông Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng Thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở vùng hạ du sông Mekong - nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các dự án thủy điện, nên hàng năm sẽ có khoảng 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng bị rủi ro, chưa tính đến lượng cá đen ăn cá trắng để tồn tại.

"Nếu tính trung bình giá cá trắng là 50.000 đồng/kg, hàng năm sự tổn thất riêng về cá trắng đối với Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rơi vào khoảng 11.000 đến 22.000 tỷ đồng, hoặc ít nhất là từ 500 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm," ông Tứ nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Vũ Ngọc Long (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cảnh báo, việc xây dựng đập thủy điện Don Sahong trên sông Mekong sẽ tác động đến dòng chảy, sự cung cấp phù sa, làm tăng hiệu suất biến đổi khí hậu và ảnh hưởng nhiều đến sinh kế, đời sống người dân ở Việt Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Đời sống người dân bị ảnh hưởng là do nguồn cá không còn nhiều như trước và không đủ nguồn nước ngọt canh tác sản xuất lúa. Khi không có đủ nguồn nước thì dẫn đến không có lũ để rửa phèn. Từ đó người dân phải dùng phân bón, tăng chi phí sản xuất lúa nhiều hơn,” tiến sĩ Long phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Thuần Khiết, Phó ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh: “Nếu xây các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ rất nguy hiểm, bởi nó có thể sẽ chắn dòng chảy, gây ngập mặn cho vùng hạ dòng sông là Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực, an ninh nghề cá.”

Thông tin thêm về việc xây đập thủy điện Don Sahong trên sông Mekong, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên, cho biết sau khi Chính phủ Lào thông báo về chủ trương xây dựng đập thủy điện này vào tháng 9/2013, Việt Nam đã tổ chức các buổi tham vấn lấy ý kiến người dân, các nhà khoa học, nhà quản lý, để các nước thành viên đánh giá về tác động của dự án.

Các buổi tham vấn cho người dân được tổ chức tại 5 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long gồm Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ trong tháng 11/2014.

Qua đó, kết quả tham vấn trên 758 người dân cho thấy, 100% ý kiến không đồng ý về việc xây dựng đập thủy điện Don Sahong trên dòng sông Mekong. Người dân cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam cần nhờ các nước trong khu vực can thiệp trong việc Chính phủ Lào xây dựng đập Don Sahong.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ giao các cơ quan chức năng tiến hành ngay nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của hệ thống 12 công trình đập thủy điện đối với Đồng bằng sông Cửu Long, để các nước thành viên thảo luận và đánh giá về tác động của dự án, nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường và an ninh lương thực, an ninh nghề cá của toàn khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục