Năm nay, lũ về sớm ngay từ đầu tháng Bảy âm lịch và duy trì ở mức cao vào trung tuần tháng Tám khiến công tác phòng chống lũ của các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long gặp nhiều trở ngại.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa lũ năm 2014 ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dao động ở mức báo động 2, báo động 3. Tuy nhiên, thời điểm này chưa phải là lũ chính vụ, các địa phương cần đề phòng lũ có thể bất ngờ lớn.
Theo ông Đỗ Vũ Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, với tình hình lũ bất thường, về sớm, lên nhanh ở mức cao và duy trì trong nhiều ngày, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã khẩn trương thành lập Ban điều hành tổ chức kiểm tra, thống kê, khoanh vùng các khu vực xung yếu, không chủ quan lơ là công tác phòng chống lũ, luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có lũ xảy ra; tập trung gia cố đê bao, kiểm tra vận hành các trạm bơm tiêu đảm bảo thoát nước.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã gia cố 446 công trình đê đập, duy tu, sửa chữa cống và nạo vét thủy lợi, với tổng kinh phí hơn 164 tỷ đồng.
Hiện An Giang cũng đã bố trí 50 điểm giữ trẻ, tổ chức phương tiện đưa rước tận nhà, đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.
Huyện “rốn lũ” An Phú đã tổ chức 13 điểm, tuyến đưa rước 1.200 học sinh mỗi ngày ở các xã vùng ngập sâu Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Khánh…, bảo vệ an toàn tính mạng trẻ em đến trường.
Ông Võ Kim Thuần, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Long An cho biết, hiện chưa phải thời điểm lũ chính vụ nên sẽ theo dõi thường xuyên mực nước lũ tại thượng nguồn, đánh giá mức độ ảnh hưởng để có biện pháp đối phó. Đồng thời vận động nhân dân ở những vùng trũng, thấp nhanh chóng di dời lên vùng cao, các cụm tuyến dân cư để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng.
Tùy theo diễn biến mực nước lũ tại từng địa phương, nếu lũ cao hơn năm 2011, cao hơn các bờ ruộng, nền nhà…, thì sẽ thành lập các điểm giữ trẻ.
Theo kế hoạch sẽ có khoảng 80 điểm giữ trẻ (mỗi xã có 1-2 điểm). Hiện nay, lũ còn thấp nên các huyện chưa tổ chức thực hiện các điểm giữ trẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, các huyện đã khẩn trương gia cố, kiểm tra các tuyến đê bao, bảo vệ an toàn 15.000ha lúa Hè Thu, Thu Đông. Nhờ đó, trên địa bàn huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh hiện không có tuyến đê bao nào bị vỡ.
Đến nay, nhìn chung các huyện đều đã hoàn chỉnh các tuyến đê bao và tương đối ứng phó được với lũ.
Tuy nhiên, trong tháng Bảy âm lịch, do lũ đến sớm kết hợp với triều cường, mưa lớn tại chỗ nên mực nước lũ dâng với cường suất rất cao, gây ngập 4.800ha lúa Hè Thu ở những vùng trũng thấp thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… phải thu hoạch sớm từ 7-15 ngày làm giảm năng suất khoảng 10-40%, thiệt hại khoảng hơn 19 tỷ đồng.
Diễn biến mực nước lũ năm nay khá thất thường. Điều này cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ dân khai thác thủy sản tăng thu nhập trong mùa lũ bởi việc nước lũ lên và xuống nhanh bất thường đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và mức độ sinh sản của các loại thủy sản, lượng thủy sản ở khu vực đầu nguồn không kịp lớn ảnh hưởng đến sản lượng cá khai thác.
Nhiều hộ gia đình cho biết, mỗi ngày chỉ đánh bắt được 20-30kg cá linh, trong khi đó mọi năm bắt được vài trăm kg mỗi ngày.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho rằng, đối với lũ diễn biến thất thường, cao vào đầu vụ là điều bất lợi cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên vì giai đoạn này cá tự nhiên ra đồng, nếu mực nước lũ lên với cường suất bình thường cá sẽ theo ra đồng trú ẩn và sinh sản, còn nếu nước lên quá cao và đột ngột xuống thấp sẽ khiến cá bị trôi xuống các vùng hạ lưu không còn nơi trú ẩn và không kịp sinh sản.
Đến thời điểm này, lượng thủy sản tự nhiên ít hơn so với những năm lũ trung bình và lũ có cường suất bình thường./. Việt Âu