Đồng bảng Anh suy yếu:Xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?

Việc mất giá của đồng bảng Anh chỉ mang tính thời điểm do nước Anh đang bước vào giai đoạn chuẩn bị đàm phán với EU về Brexit, do đó không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam sang London.
Đồng bảng Anh suy yếu:Xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào? ảnh 1Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy ở khu công nghiệp phường 8, thành phố Cà Mau. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đồng bảng Anh suy yếu sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh bởi đây chỉ là hiện tượng ngắn hạn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã khẳng định như vậy trước những lo ngại của dư luận khi đồng bảng Anh yếu đi.

Theo ông Trần Thanh Hải, Anh là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại châu Âu, tuy nhiên xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Việc mất giá của đồng bảng Anh hiện nay chỉ mang tính thời điểm do nước Anh đang bước vào giai đoạn chuẩn bị đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) để ra khỏi tổ chức này, từ đó phát sinh những lo ngại nhất định về tương lai kinh tế của nước Anh.

Khi quá trình đàm phán đã đi vào ổn định, có lộ trình rõ ràng, các nhà đầu tư có thể yên tâm trở lại.

Liên quan đến việc nước Anh rời khỏi EU, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, Anh là một trong những nước thuộc EU có quan hệ thương mại với Việt Nam đứng ở vị trí khá cao.

Trước đây, Anh xếp thứ hai chỉ sau Cộng hòa liên bang Đức nhưng mấy năm gần đây, Hà Lan vượt lên và Anh xuống còn đứng thứ 3, 4 trong quan hệ thương mại Việt Nam và Anh.

Hơn nữa, nếu như trước đây hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới cửa khẩu Hà Lan, Đức, Bỉ sẽ cập bến thị trường Anh.

Tuy nhiên, tới đây khi Anh rời châu Âu, dù vẫn đi theo con đường này nhưng tới biên giới Anh lại có thêm một hàng rào nữa. Tức là phải làm lại tất cả các thủ tục như thông quan, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí còn có cả hàng rào kỹ thuật.

Không những vậy, khi Anh đã dựng hàng rào kỹ thuật với EU thì chắc chắn sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp phải thiết kế con đường xuất khẩu khác, nếu xuất khẩu theo con đường cũ, vô hình chung sẽ mất rất nhiều chi phí và thời gian vì phải qua một biên giới nữa.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hàng năm Anh nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 700 tỷ bảng Anh. Nhưng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt khoảng 5 tỷ bảng Anh, chiếm khoảng 0,5% kim ngạch nhập khẩu của Anh và chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.

Điều đó cho thấy, mặc dù Anh không phải là đối tác quá lớn về phương diện xuất khẩu, thương mại nên tác động ở quy mô lớn là khó xảy ra.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Anh không cao, nhưng phần lớn lượng hàng xuất khẩu đều là các mặt hàng chủ lực như thủy sản, nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị và phụ tùng, điện thoại và linh kiện các loại..

Ngược lại, Anh cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, đồng thời là một trong số ít thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm của Việt Nam có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường khu vực lớn như EU, ASEAN… sụt giảm kim ngạch. Điều đó cho thấy, việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Không những vậy, Anh chỉ là một phần thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào khối EU nên việc Anh không còn là thành viên EU sẽ không ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn vào thị trường này, hoặc quá phụ thuộc vào thị trường này sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa không nên quá tập trung vào một vào thị trường mà nên đa dạng, mở rộng thị trường từ đó hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại không cần thiết./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục