Sự xuống giá mạnh của đồng bảng Anh trong thời gian qua, chạm mức thấp kể từ năm 1985 trong phiên giao dịch cuối tuần trước do tác động của cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU), là điều bất lợi cho nền kinh tế xứ sở Sương mù, là "nỗi buồn" của một số lĩnh vực của nền kinh tế, song đồng thời nó lại mang lại “niềm vui” cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, du lịch, dịch vụ hay đầu tư ngoại hối…
Bên được lợi trước tiên từ sự xuống giá của đồng bảng là lĩnh vực xuất khẩu của Anh. Đồng bảng yếu đi làm gia tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản và các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện muốn duy trì giá đồng nội tệ ở mức thấp để hỗ trợ xuất khẩu.
Vì điều này, Chính phủ Mỹ không ít lần đã cảnh báo các nước không nên vì lợi ích thương mại của mình mà khởi động một "cuộc chiến" tiền tệ.
Đồng bảng yếu đi cũng góp phần thúc đẩy lĩnh vực du lịch. Các khách sạn, nhà hàng và các công ty trong lĩnh vực giải trí cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đón một lượng lớn du khách nước ngoài trong mùa Hè này, nếu những xáo trộn sau cuộc trưng cầu ý dân không “cản bước” các du khách tới Anh.
Thị trường biến động cũng có thể giúp các quỹ đầu tư và giao dịch tiền tệ thu bộn tiền, nếu họ có thể bắt “đúng nhịp.”
Các công ty lớn nằm trong chỉ số chứng khoán FTSE 100 vốn có nguồn doanh thu lớn từ nước ngoài như các công ty dược phẩm, khai mỏ và năng lượng lại "tỏa sáng," vào thời điểm cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn chủ yếu hoạt động ở trong nước bị bán mạnh ra thị trường.
“Đối tượng” chịu thua thiệt đầu tiên phải kể tới chính là kinh tế Anh. Xuất khẩu tăng, trong khi nhập khẩu giảm giúp làm dịu bớt tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai, “căn bệnh kinh niên” của kinh tế Anh.
Tuy nhiên, lòng tin vào nền kinh tế Anh đang giảm sút đáng kể, nhất là sau cuộc trưng cầu ý dân, trong khi giới đầu tư quốc tế có phần do dự khi “bơm” tiền vào nền kinh tế này.
Các ngân hàng cũng là đối tượng bị ảnh hưởng, trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành ngân hàng lao dốc.
Brexit cùng với tình hình bất ổn hiện nay đã khiến các doanh nghiệp nhỏ phải đương đầu với tình trạng biến động về giá hàng hóa nhập khẩu.
Những người sở hữu ôtô cũng bị ảnh hưởng, trong bối cảnh sự xuống giá của đồng bảng sẽ khiến xăng dầu (mặt hàng được định giá bằng đồng USD) trở nên đắt đỏ hơn.
Các công ty xây dựng nhà là đối tượng tiếp theo bị ảnh hưởng từ sự lao dốc của đồng bảng. Giá nhà đất dự báo sẽ giảm, do tình trạng bất ổn trên thị trường khiến người dân và các nhà đầu tư tạm gác lại các kế hoạch mua nhà.
Việc giá cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà ở giảm mạnh trong thời gian qua phần nào cho thấy triển vọng không mấy sáng sủa của các công ty trong lĩnh vực xây dựng bất động sản.
Đồng yen, euro và các đồng tiền châu Âu không được lợi từ sự xuống giá của đồng bảng. Đồng yen, đồng tiền vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư, tăng mạnh trước mối quan ngại về Brexit. Tuy nhiên, sự lên giá của đồng yen lại là điều bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của “đất nước Mặt Trời mọc.”
Trong khi đó, đồng euro xuống giá có thể có lợi cho các nhà xuất khẩu trong khu vực Eurozone, song đồng thời nó cũng phản ánh sự sụt giảm lòng tin vào khu vực đồng tiền chung./.