Ngày 6/3, Ngân hàng Trung ương Ai Cập thông báo sẽ cho phép tỷ giá hối đoái được ấn định theo thị trường.
Chỉ trong vài phút sau thông báo này, đồng bảng Ai Cập (EGP) mất hơn 33% giá trị.
Cụ thể, vào khoảng sau 12 giờ (giờ địa phương), đồng bảng Ai Cập được giao dịch ở mức cao kỷ lục, 49,15 EGP/1 USD, tăng vọt so với mức 30,9 EGP/1 USD đã được duy trì trong hơn 1 năm qua.
Tại cuộc họp bất ngờ trước đó về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Ai Cập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất tỷ giá hối đoái, đồng thời cam kết sẽ để tỷ giá hối đoái sẽ do thị trường quyết định.
Vào thời điểm thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, tỷ giá thị trường song song (chợ đen) đã tăng lên mức 70 EGP/1 USD vào đầu năm nay khiến giá tiêu dùng tăng vọt tại quốc gia vốn phụ thuộc vào nhập khẩu này.
Lạm phát tại Ai Cập hiện ở mức cao, với kỷ lục là gần 40% vào tháng 8 năm ngoái.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng đã tăng lãi suất tiền gửi chủ chốt thêm 6 điểm, lên mức cao kỷ lục 27,25%.
Lý giải cho quyết định này, cơ quan này cho biết đây là nỗ lực nhằm đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ, qua đó đẩy mạnh quá trình hạ nhiệt lạm phát và đảm bảo giảm tỷ lệ lạm phát cơ bản.
Hiện nay, Ai Cập đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc tăng giá trị khoản vay 3 tỷ USD mà hai bên đã đạt được hồi năm 2022.
Tỷ giá hối đoái hoàn toàn linh hoạt và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn là hai trong số những điều kiện mà IMF đặt ra với Ai Cập để được nhận khoản vay trên.
Cho đến nay, các đợt giải ngân khoản tiền 3 tỷ USD đã liên tục bị trì hoãn cho đến khi Ai Cập tiến hành cải cách.
Trong những năm gần đây, Ai Cập đã 3 lần phá giá đồng nội tệ, song lại trì hoãn việc thả nổi hoàn toàn với lý do quyết định này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Ai Cập.
Ước tính, khoảng 75% người dân nước này sống dưới hoặc ở đúng mức nghèo./.