"Đồng bạc xanh" rời khỏi mức giá kỷ lục trong gần 20 năm qua

Các nhà đầu tư đã cảm thấy "dễ thở hơn" khi có tin rằng nguồn cung khí tự nhiên sẽ được nối lại qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc từ Nga sang Đức sau một thời gian tạm ngừng để bảo trì.
Đồng USD. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bước vào tuần mới, giá trị đồng USD đã bắt đầu giảm bớt từ mức cao chưa từng thấy trong gần 20 năm qua, song những lo ngại về nguồn cung khí đốt cho châu Âu khiến USD vẫn ở mức cao.

Trong năm nay, “đồng bạc xanh” đã tăng giá mạnh, một phần vì Mỹ tăng lãi suất và phần khác vì những vấn đề kinh tế ở các nước châu Âu và Trung Quốc.

Tuần trước, giá trị USD so với đồng euro đã lần đầu tiên cán mốc cao nhất trong gần 20 năm qua khi được giao dịch ở mức 1,00955 euro đổi 1 USD trong khi đồng yen, vốn mất giá 17% năm nay, đứng ở 138,37 yen đổi 1 USD.

Các nhà đầu tư đã cảm thấy "dễ thở hơn" khi có tin rằng nguồn cung khí tự nhiên sẽ được nối lại qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc từ Nga sang Đức sau một thời gian tạm ngừng để bảo trì theo lịch.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, ông Joseph Capurso cảnh báo: “Nếu điều này không xảy ra, đây sẽ là tình huống rất tồi tệ đối với một loạt đồng tiền,” trong đó đồng euro sẽ mất giá nhiều nhất và USD được hưởng lợi.

[Kịch bản nào cho đồng euro sau khi đã lao dốc kỷ lục?]

Bầu không khí bất trắc đang phủ bóng lên hội nghị của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), dự kiến diễn ra ngày 21/7 tới, nơi các nhà hoạch định chính sách được cho là sẽ bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Bên cạnh những “đợt gió nóng” trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy sau khi Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn từ chức hồi tuần trước do không nhận được sự ủng hộ của đảng Phong trào 5 Sao về kế hoạch ngăn chặn giá cả tăng cao.

Trong khi đó, tại châu Á, các thị trường vẫn đang chờ kết quả cuộc họp của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 20/7 và của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 21/7.

Chuyên gia kinh tế của NatWest Markets, ông Peiqian Liu cho biết: “May mắn là Trung Quốc hiện không phải đối mặt với sức ép lạm phát, cho phép các nhà hoạch định chính sách tiếp tục nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.”

Tuy nhiên, theo ông Liu, dù PBOC ít khả năng cắt giảm lãi suất mạnh hoặc liên tiếp, “chúng tôi vẫn dự báo chính sách chủ đạo trong quý 2 sẽ tiếp tục là nới lỏng tài chính.”

Tương tự, không có dự báo thay đổi nào sau cuộc họp của BoJ. Dự kiến ngân hàng này sẽ duy trì các chính sách siêu nới lỏng hiện nay, đồng nghĩa với việc đồng yen sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Ngược lại, dự báo tăng lãi suất được đưa ra với Australia và New Zealand sau khi các số liệu cho thấy lạm phát ở New Zealand trong quý vừa qua đã lên tới mức cao nhất trong 3 thập kỷ (7,3%), khiến tỷ giá đồng NZD tăng gần 10 điểm cơ bản, lên mức cao nhất trong 1 tuần (1NZD đổi được 0,6191 USD).

Về phần mình đồng AUD của Australia cũng tăng 0,3% lên mức 1AUD đổi được 0,6804 USD.

Fed sẽ nhóm họp vào cuối tháng này và dự báo sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Chuyên gia phân tích của HSBC dự báo với việc tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại và các nguy cơ xấu ngày càng nhiều, đà tăng giá của đồng USD sẽ tiếp tục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục