Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam sở hữu tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế

Khu vực Đông Bắc Ấn Độ nhận được nhiều chính sách ưu đãi nhất của Chính phủ Ấn Độ với hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam sở hữu tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải phát biểu trực tuyến tại hội nghị. (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

Chiều 2/6, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Cơ quan Xúc tiến và Tạo thuận lợi Đầu tư Quốc gia (Invest India) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ và Bộ Phát triển vùng Đông Bắc Ấn Độ (DoNER) tổ chức hội nghị trực tuyến "Khám phá cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam."

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việt Nam là trụ cột chính trong Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ. Khu vực Đông Bắc Ấn Độ cũng là điểm khởi đầu của chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Nhờ đó, khu vực này nhận được nhiều chính sách ưu đãi nhất của Chính phủ Ấn Độ với hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện. Khu vực này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về ẩm thực, phong tục, tập quán và văn hóa.

Tiến sỹ Lê Thanh Hòa đánh giá Việt Nam và Ấn Độ đang có sự tăng trưởng trong thương mại nông-lâm-thủy sản. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ các sản phẩm như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, cao su, gỗ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre.

Ở chiều ngược lại, Ấn Độ xuất khẩu các sản phẩm như thủy sản, rau quả, lúa mỳ, ngô, dầu mỡ động thực vật và cao su sang Việt Nam. Trong thương mại nông-lâm-thủy sản, Việt Nam hiện đang nhập siêu từ Ấn Độ, với tổng giá trị nhập siêu là 473,8 triệu USD năm 2021 và 687,73 triệu USD năm 2022.

[Nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam-Ấn Độ]

Ông Harpreet Singh, Vụ trưởng, Bộ Phát triển vùng Đông Bắc Ấn Độ, cho biết khu vực Đông Bắc Ấn Độ có trên 60% diện tích được bao phủ bởi rừng, có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tre trúc, thủ công mỹ nghệ. Khu vực này có 17 cảng hàng không, hệ thống đường sông, biển thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Đây là những động lực cho tăng trưởng kinh tế và kết nối khu vực.

Ông cũng gợi ý những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, trao đổi nhân lực. Chi phí vận tải tại Ấn Độ đang giảm, do đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này.

Theo bà Geetima Krishna, Trưởng phòng Đông Bắc-Invest India, khu vực Đông Bắc Ấn có nhiều lợi thế về nhân khẩu học, nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức, trình độ và kỹ năng làm việc tốt. Đây là một động lực quan trọng cho sự phát triển hợp tác kinh tế giữa khu vực Đông Bắc Ấn và Việt Nam.

Ông R. K. Singh cho hay khu vực Đông Bắc Ấn Độ có khoảng 2,16 triệu thợ dệt, chiếm một nửa lực lượng lao động dệt thủ công toàn quốc. Hầu hết hộ dệt vải trong khu vực phụ thuộc vào thị trường địa phương và hơn 70% thợ dệt làm việc bán thời gian, chủ yếu là phụ nữ, dẫn đến năng suất thấp. Ngoài ra, khu vực Đông Bắc còn có 887.000 nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, chiếm 18,63% tổng số nghệ nhân cả nước.

Ông cũng đề xuất một số lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, bao gồm thành lập các đơn vị nhuộm, hoàn thiện trung tâm nguyên liệu thô, tập trung vào lĩnh vực trang sức và cung cấp tài liệu phù hợp về nghề thủ công và dệt ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ.

Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam sở hữu tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế ảnh 2Vụ trưởng, Bộ Phát triển vùng Đông Bắc Ấn Độ Harpreet Singh phát biểu trực tuyến tại hội nghị. (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

Ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ, đã trao đổi tiềm năng kinh tế của tỉnh Phú Thọ và khả năng hợp tác với Ấn Độ, trong đó có phát triển ngành công nghiệp chế biến nông-lâm sản và lĩnh vực chế biến chè xuất khẩu. Với diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, Phú Thọ đang tận dụng lợi thế này để phát triển công nghiệp chế biến chè. Sản phẩm chè của Phú Thọ, bao gồm chè xanh và chè đen, đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan và Nga.

Ông Đặng Việt Phương mong muốn các doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm và nghiên cứu về việc hợp tác đầu tư sản xuất chè, chuyển giao công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị sản phẩm chè. Đặc biệt, ông hy vọng trong tương lai gần sẽ có kết nối tiêu thụ các sản phẩm chè của Phú Thọ.

Theo bà Nguyễn Thị Tòng, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuật, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có gần 6.000 làng nghề và làng có nghề, sản xuất hơn 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau. Nhiều sản phẩm trong số này có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm. Các làng nghề cũng đã cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh và áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng và mở rộng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, đã tổng kết Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam có những nét tương đồng về địa lý, điều kiện khí hậu, văn hóa của vùng. Do đó, hai bên có thể tiếp tục tìm hiểu sâu hơn các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và du lịch, trao đổi văn hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục