Theo kế hoạch, Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ tuyên bố khởi động đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 20/11 ở Phnom Penh.
Hiệp định này bao trùm 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương - hiện chiếm khoảng 1/3 thương mại và GDP toàn cầu, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất, ngoài Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
RCEP quy tụ 10 quốc gia thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế hàng đầu về châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Global Insight miêu tả sáng kiến này rất quan trọng về chiến lược đối với khu vực, có thể giúp bù đắp cho sự suy yếu ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp mới đây, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhận định một RCEP thành công sẽ tiếp tục củng cố sự dịch chuyển quyền lực kinh tế toàn cầu từ phương Tây sang châu Á. Các nhà ngoại giao và các chuyên gia phân tích cho rằng RCEP cũng có thể là một đối trọng đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiện đang trong quá trình đàm phán giữa Mỹ và 10 quốc gia khác.
Các quan chức Mỹ hy vọng rằng TPP rốt cuộc sẽ sớm trở thành khu vực thương mại tự do của châu Á-Thái Bình Dương, liên kết các nền kinh tế Mỹ Latinh với châu Á thông qua Mỹ.
Tuy nhiên có một điểm khác biệt khá lớn là TPP không có Trung Quốc, trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ là "cầu thủ chính" trên sân RCEP.
Trung Quốc không hào hứng với TPP, mà muốn tập trung vào châu Á, nơi cường quốc này có ảnh hưởng lớn hơn.
Còn Gita Wirjawan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - tuyên bố nước này chỉ tập trung vào RCEP.
Có những ý kiến quan ngại rằng một loạt vụ tranh chấp lãnh hải giữa các nước tham gia RCEP có thể cản trở tiến trình đàm phán. Trong năm nay, quan hệ ngoại giao-thương mại giữa Nhật Bản và Trung Quốc có nhiều biến động do tranh chấp biển đảo. Mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN cũng bị tác động bởi những tranh chấp tương tự.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng các tranh chấp này có thể được xử lý một cách độc lập, và rằng xu hướng thắt chặt quan hệ kinh tế và thương mại sẽ vẫn tiếp tục.
Theo ông Surin, RCEP có nền tảng ban đầu vững hơn TPP vì ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Song vẫn chưa có khung thời gian cụ thể được đưa ra để hoàn tất hiệp định./.
Hương Giang (TTXVN)