Donald Trump tuyên bố sẽ không dự hội nghị G20 nếu bị "ghẻ lạnh"

Theo The Washington Post, trong cuộc thảo luận bàn tròn với các lãnh đạo lao động ở Ohio, ông Trump đã nói rằng mình sẽ không tự hạ thấp bản thân đến mức bước đi trên cầu thang không trải thảm đỏ.
Donald Trump tuyên bố sẽ không dự hội nghị G20 nếu bị "ghẻ lạnh" ảnh 1

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã cân nhắc cách phản ứng khi bị "ghẻ lạnh" trên cầu thang tiếp đón. Và cũng không có gì ngạc nhiên, cách phản ứng của ông khác với Tổng thống Barack Obama, người cũng từng rơi vào tình trạng tương tự.

[Nhiều bất ngờ khó chịu trong chuyến đi của ông Obama tới Trung Quốc]

Theo Shanghaiist, Chủ Nhật 4/9 vừa qua, người lãnh đạo cường quốc lớn mạnh nhất thế giới đã phải ngồi chờ trong chiếc máy bay Không Lực Một của mình sau khi hạ cánh xuống Hàng Châu để dự hội nghị thượng đỉnh G20 bởi không có cầu thang trải thảm đỏ nào ở đó để đón tiếp ông. Thay vào đó, ông Obama đã buộc phải xuống máy bay bằng cầu thang sắt bình thường không trải thảm đỏ.

Theo The Washington Post, trong cuộc thảo luận bàn tròn với các lãnh đạo lao động ở Ohio, ông Trump đã nói rằng mình sẽ không tự hạ thấp bản thân đến mức bước đi trên cầu thang không trải thảm đỏ.

"Họ thậm chí còn không cho ông ấy một cái cầu thang tử tế để xuống máy bay. Mọi người thấy không? Các nhà lãnh đạo khác đều xuống máy bay bằng cầu thang trải thảm đỏ. Còn ông Obama thì bước trên cầu thang kim loại. Nếu là tôi, tôi sẽ nói rằng, "Các anh biết gì không, tôi rất kính trọng các anh, nhưng hãy đóng cửa lại và rời khỏi đây thôi." Đó là một dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng.”

Tất cả các nhà lãnh đạo thế giới - ngay cả thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe- đều xuất hiện trong các bức ảnh khi đang rời máy bay trên cầu thang trải thảm đỏ. Đến nay, trục trặc gì đã xảy ra trong việc tiếp đón ông Obama vẫn chưa được làm rõ.

Một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết đoàn đại biểu Mỹ đã từ chối chiếc cầu thang trải thảm đỏ di động vì người lái xe chở cầu thang không biết nói tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều người không tin câu chuyện này và tự hỏi vì sao chủ nhà Trung Quốc lại không xông xáo hơn để bảo vệ an toàn cho tổng thống Mỹ. Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo đã gọi đây là "sự ghẻ lạnh cố ý" của người Trung Quốc.

Trong khi đó, tờ Global Times lại viết trong một bài xã luận hôm qua rằng tất cả những sự ầm ĩ này chỉ là một ví dụ không hơn không kém khác về việc truyền thông phương Tây "làm quá" một chuyện vô thưởng vô phạt để tạo căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng cho rằng vụ việc này thực ra chỉ là hành động bới lông tìm vết của truyền thông phương Tây.

"Họ chế ra tin tức và đưa vào đó những phán đoán giàu trí tưởng tượng mà không chịu tìm hiểu sự việc đến cùng", bà phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai vừa qua. "Điều này sẽ chỉ củng cố thêm ấn tượng về sự kiêu ngạo và quá đề cao bản thân của một số hãng truyền thông phương Tây."

Về phần mình, ông Obama khuyên các phóng viên không nên làm quá về những gì đã xảy ra.

"Một phần sự việc là vì chúng tôi để lại dấu chân lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác. Chúng tôi đã có rất nhiều máy bay, có rất nhiều máy bay trực thăng, rất nhiều xe ôtô, rất nhiều người. Nếu bạn là nước chủ nhà, đôi khi bạn sẽ cảm thấy như vậy là hơi quá," ông lý luận.

Ông Trump vẫn thường xuyên than thở rằng nước Mỹ luôn "yếu thế" trước Trung Quốc và chỉ trích ông Obama đã quá "yếu đuối" trên vũ đài thế giới. Một trong những chủ đề bàn luận yêu thích của ông là các nghi thức tại sân bay. Hồi tháng Tư, ông Trump từng phát biểu:

"Sự thật là họ [các quốc gia khác] không tôn trọng chúng ta. Khi Tổng thống Obama hạ cánh xuống Cuba trên chiếc Không Lực Một, chẳng có lãnh đạo nào ở đó để chào đón ông ấy. Có lẽ đó là một sự cố chưa hề có tiền lệ trong lịch sử cao quý của Không Lực Một. Và ngạc nhiên làm sao, chuyện tương tự cũng xảy ra ở Saudi Arabia. Như vậy gọi là thiếu tôn trọng."

Trên thực tế, trong lịch sử, có rất nhiều lần các nguyên thủ quốc gia không xuất hiện trên đường băng để chào đón các tổng thống Mỹ. Và thay vì quay đầu máy bay trở về nhà, ông Obama đã ở lại Hàng Châu trong hai ngày, có cuộc họp riêng dài 3 tiếng với chủ tịch Tập Cận Bình trước khi cất cánh vào đêm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục