Đón Tết Chôl Chnam Thmây năm nay, hơn 300.000 đồng bào Khmer ở Trà Vinh lại có thêm một Tết cổ truyền vui tươi và đầm ấm. Có được những ngôi nhà mới, những mùa vụ nuôi tôm, trồng lúa, hoa màu bội thu, đồng bào Khmer ai ai cũng phấn khởi, háo hức đón Tết.
Về Trà Cú, một huyện có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh Trà Vinh (chiếm hơn 70% dân số của huyện), đi đến đâu cũng thấy không khí rộn ràng của bà con Khmer sửa sang lại nhà cửa tươm tất để chuẩn bị đón Tết.
Ðứng trên bờ kênh 3/2, nhìn những vườn cây ăn trái, rẫy hoa màu xanh mơn mởn và những căn nhà mái tôn, ngói đỏ, của bà con ấp Chợ, Chợ Trên, Ô Rung..., Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Hưng Châu Thành Đô, phấn khởi cho biết trước đây, vùng đất này bị nhiễm phèn nặng, hiệu quả sản xuất thấp. Vì thế, cái nghèo cứ đeo bám mãi, đời sống bà con Khmer thường thiếu ăn vào mùa giáp hạt.
Nhưng từ khi được hưởng lợi từ các Chương trình 134, 135, 167 của Chính phủ và các dự án giảm nghèo, các công trình hạ tầng nông thôn, thủy lợi, nhà ở, khoa học kỹ thuật được đầu tư xây dựng, chuyển giao đã giúp đồng bào Khmer an tâm và thuận lợi phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đời sống được cải thiện đáng kể.
Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, hiện chỉ còn 13 % (tiêu chí mới). Bình quân thu nhập đầu người của xã năm 2014 đạt 18,5 triệu đồng, tăng hơn 9 triệu đồng so năm 2011.
Lão nông Thạch Sang, ở ấp Ô Rung, vui vẻ cho biết: "Mấy năm nay, tôi làm các giống lúa mới do cán bộ nông nghiệp xã khuyến cáo, năng suất đạt 8-9 tấn/ha, hơn gấp 2 lần trước kia."
Vui hơn khi ông Thạch Sang cho biết ở ấp Ô Rung không còn hộ Khmer nghèo nào phải đón Tết cổ truyền trong căn nhà ọp ẹp, xiêu vẹo. Từ Chương trình 167, hai năm qua, chính quyền địa phương đã xây dựng xong nhà mới cho các hộ Khmer nghèo khó khăn về nhà ở.
Ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, đồng bào Khmer chuẩn bị đón Chôl Chnam Thmây càng tươm tất hơn. Sau ba năm đồng bào Khmer được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để thực hiện việc chuyển đổi độc canh cây lúa sang sản xuất một vụ lúa-hai vụ màu đã đem lại thu nhập từ 80-90 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, mô hình thành lập Tổ liên kết trồng ngô giống kết hợp chăn nuôi bò có thu nhập cao vừa tạo nguồn tích lũy giúp bà con Khmer thoát nghèo bền vững.
Ông Thạch Ri, ở ấp Nô Lựa B, cho biết ba năm qua, ông tham gia vào Tổ liên kết trồng ngô giống được Công ty Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Trồng 1ha ngô giống bình quân cho lợi nhuận 35 triệu đồng/ha.
Gia đình ông còn nuôi thêm hai con bò sinh sản và tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, thu nhập gia đình tăng thêm 20 triệu đồng mỗi năm từ bê con.
Theo ông Thạch Ngọc Nghĩ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, hiện nay Nhị Trường đã thành lập 14 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Hơn 70% diện tích đất canh tác đã được cơ cấu hai vụ lúa-một vụ màu hoặc hai vụ màu-một vụ lúa.
Toàn xã phát triển đàn bò sinh sản được hơn 3.700 con. Nhờ chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển chăn nuôi và từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào Khmer ở Nhị Trường đã không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc.
Anh Hà Ngọc Chí, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, không giấu được niềm vui về sự chuyển biến tích cực kinh tế-xã hội của đồng bào Khmer ở địa phương.
Anh Chí cho biết xã hoàn tất công việc cấp đất ở cho 112 hộ Khmer nghèo của xã theo quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đón Chôl Chnam Thmây năm nay, bà con đều có nhà mới để vui Tết.
Xã Ngũ Lạc có 65% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nối liền thông suốt với tỉnh lộ, quốc lộ.
Từ năm 2008, Ủy ban Nhân dân xã kêu gọi các doanh nhân là người của quê hương đang sản xuất, kinh doanh ở các khu công nghiệp lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác về đầu tư sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm cho lao động nghèo địa phương.
Với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư như doanh nghiệp được hỗ trợ từ 30-100% chi phí để lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; giá thuê đất và phí sử dụng hạ tầng được tính ở mức thấp; miễn thuế thu nhập từ 2-7 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm thuế từ 50% trong 6-7 năm tiếp theo tùy theo lĩnh vực đầu tư; hỗ trợ chi phí dạy nghề cho người lao động, xã đã thu hút được bốn doanh nghiệp chế biến nông sản về đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Ly nông nhưng không ly hương, lại có thu nhập khá và ổn định, nhiều bà con Khmer trong độ tuổi lao động của xã đi làm công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đến nay, toàn xã đã có hơn 1.200 lao động nghèo đi làm công nhân, trong đó có gần 1.000 lao động là người Khmer. Qua đó, góp phần cải thiện đáng kể đời sống gia đình nhiều người nghèo ở xã Ngũ Lạc.
Tết Chôl Chnam Thmây đang về với mỗi gia đình đồng bào Khmer Nam bộ và ở Trà Vinh, Tết Chôl Chnam Thmây này càng vui tươi, đầm ấm./.