Ngay từ những tháng đầu năm, doanh nghiệp một số ngành hàng chủ lực như, gỗ, dệt may, da giày, nông sản… đã nắm bắt cơ hội thị trường để tăng tốc. Kết quả xuất khẩu của những ngành hàng này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của cả nước, tạo đà cho việc thực hiện những kế hoạch thời gian tiếp theo.
Nhiều tín hiệu khả quan
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết do nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có dấu hiệu hồi phục ở nhiều thị trường, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong ngành đã có sự phục hồi đáng kể.
Còn với ngành hồ tiêu và cây gia vị, tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 83.067 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 352 triệu USD.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) thông tin, vụ mùa hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên mức 225.000 tấn so với ước tính 200.000 tấn của vụ mùa năm ngoái. Theo dự báo của VPSA, thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay.
Thương mại điện tử: “Mở cánh cửa" để doanh nghiệp đưa thương hiệu ra thế giới
Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra và doanh thu của các đối tác tăng cả chục lần trong vòng 5 năm gần đây.
Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua đơn hàng và hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong những tháng đầu năm nay.
Theo bà Hoàng Thùy Oanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ, nếu như năm 2023 hầu hết khách hàng chỉ đặt hàng trong vòng 3-4 tháng thì bước sang 2024 đã có kế hoạch dài hơn 5-6 tháng.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến về kế hoạch đặt hàng, còn hầu hết các khách hàng cũng tương đối thận trọng, từ lúc đặt đơn hàng chính thức cho tới xuất hàng chỉ 90-110 ngày, do đó các đơn vị trong Tổng Công ty phải theo dõi bám sát tình hình đơn hàng để có công tác chuẩn bị sản xuất tốt thì mới đáp ứng được tiến độ giao hàng,” đại diện Hòa Thọ chia sẻ.
Đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho thấy, thị trường đã có dấu hiệu khả quan khi cầu dệt may năm 2024 được dự báo ở mức 717 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2023; lượng tồn kho của các hãng lớn đều giảm so với cùng kỳ; việc áp dụng một số quy định liên quan đến sản xuất xanh, bền vững có phần chậm lại do kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi.
Mặt khác, ngành Dệt May Việt Nam cũng có khả năng tiếp cận với những cơ hội thị trường tốt hơn, cạnh tranh bớt căng thẳng do các quốc gia cạnh tranh gần như đã hết dư địa để tiếp tục giảm giá nội tệ hỗ trợ xuất khẩu, không còn duy trì lợi thế về tỷ giá như giai đoạn 2022-2023…
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, những dấu hiệu này cũng thể hiện ở tình hình 4 tháng đầu năm, đơn hàng may đã dồi dào hơn, mặc dù giá gia công vẫn ở mức thấp; ngành sợi tuy giá bán vẫn chưa có lợi nhuận do cầu yếu và giá nguyên liệu biến động với biên độ lớn nhưng có cải thiện rõ rệt về hiệu quả.
Theo báo cáo của Vinatex, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 3,15 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng kể từ tháng 12/2023.
Nhanh nhạy trước biến động của thị trường
Với sự đóng góp tích cực từ các ngành hàng chủ lực, trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước thu về khoảng 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, các thị trường chủ lực của Việt Nam đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao, trong đó, Hoa Kỳ ước đạt 34,12 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 21,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỷ USD, tăng 14,4% (cùng kỳ năm 2023 giảm 13%); thị trường EU ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng 15% (cùng kỳ giảm 10,8%); Hàn Quốc ước đạt 8,36 tỷ USD, tăng 10,2%; Nhật Bản ước đạt 7,66 tỷ USD, tăng 4,6%.
Tiến sỹ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, trong suốt 2022 và cả năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tại nhiều nước không cao, cộng với lạm phát, lãi suất cao, nhiều nhà mua hàng lớn tạm dừng nhập khẩu, dùng hàng tồn kho để bán ra.
Tuy vậy, đến thời điểm này, lượng hàng tồn kho đã giảm, nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại… điều này hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.
“4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2023 mà Bộ Công Thương đã đặt ra,” tiến sỹ Lê Quốc Phương đánh giá.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, do xung đột địa chính trị ở nhiều nơi, lạm phát còn cao ở một số quốc gia lớn … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá.
Do vậy, về phía Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu đã chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong các ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Đáng chú ý, trong ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng nông sản với sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đơn vị chức năng của các bộ, ngành liên quan nhằm bàn thảo các giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông sản.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm gạo, rau quả nói riêng một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở các thị trường ngách và thâm nhập các thị trường mới, tiềm năng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý các đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn để kịp thời báo cáo Chính phủ và thông tin tới các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, thương nhân kịp thời có phản ứng chính sách và điều tiết hoạt động sản xuất, xuất khẩu./.