Đón nguyệt thực hụt, được "bù" kiến thức thiên văn

Tuy không “thực mục sở thị” được hiện tượng nguyệt thực, nhưng nhiều bạn trẻ đã có một buổi trò chuyện về thiên văn học lý thú.
Hơn 18 giờ ngày 4/6, trên một ngọn đồi (thực chất là một đống đất khá lớn) tại Công viên Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều bạn trẻ yêu thiên văn đã tụ lại với nhau để đón chờ hiện tượng nguyệt thực một phần. Theo các nhà khoa học, thời điểm bắt đầu nguyệt thực là lúc 16 giờ 59 phút giờ Việt Nam và đạt cực đại vào lúc 18 giờ 3 phút, với 37% bề mặt Mặt Trăng bị che phủ. Tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể quan sát được vào khoảng 18 giờ 30, khi mặt trăng mọc ở chân trời phía Đông. Khệ nệ bê chiếc kính thiên văn khá to đến địa điểm “tập kết,” Đặng Vũ Tuấn Sơn-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam tỏ vẻ kém vui, bảo với phóng viên Vietnam+: “Hôm nay mây mù, tôi sợ sẽ khó quan sát đấy...” Sơn bảo, anh chọn vị trí quan sát ở đỉnh đồi để có thể nhìn mặt trăng được rõ, tránh được tầm cản của các tòa nhà cao tầng. Sau khi lục tục lắp kính thiên văn xong, nhiều người dân hiếu kỳ đang dạo ở Công viên cũng ghé vào hỏi han. Nhiều bạn trẻ đi dạo cũng nhanh chóng nhập vào cùng với nhóm để thỏa trí tò mò.


Lắp kính thiên văn để quan sát. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Tuy nhiên, do trời nhiều mây, sự kiện nguyệt thực lần này ở Hà Nội không quan sát được. Trước nhiều tiếng hùi hụi tiếc rẻ trong đám bạn trẻ, Đặng Vũ Tuấn Sơn cùng các bạn “xoay chuyển tình thế” bằng cách nói chuyện về thiên văn. Thế là, trên đỉnh đồi, nhiều câu hỏi tò mò về hiện tượng nguyệt thực, nhật thực, mưa sao băng, cách làm kính thiên văn… đã được đặt ra. Và tất cả câu hỏi như thế đã được Tuấn Sơn và các bạn trả lời rất nhiệt tình.

Lắp kính thiên văn để quan sát. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Đến khoảng 7 giờ 20 phút, mặt trăng bắt đầu ló ra khỏi đám mây. Tuy hiện tượng nguyệt thực đã kết thúc, nhưng các bạn trẻ cũng được mãn nhãn khi sử dụng kính thiên văn quan sát mặt trăng.
Nhưng cũng rất nhanh chóng, mặt trăng lại “chui” vào đám mây và các bạn trẻ lại ngồi quây tụ với nhau để trò chuyện. Phạm Thị Hồng Nhung, một bạn trẻ đến xem nguyệt thực cho hay, Nhung đã tham gia Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ được một năm. Đây là lần thứ 3 cô cùng các bạn dùng kính thiên văn để quan sát. Nhung kể rằng, cô đam mê thiên văn từ nhỏ và đến năm học lớp 8 đã từng được quan sát nguyệt thực qua kính thiên văn của một người họ hàng. Do đó, cô không bất ngờ về hiện tượng này. “Tuy nhiên, khi đi giao lưu cùng các anh chị trong câu lạc bộ, em đã biết được thêm nhiều điều thú vị trên bầu trời cũng như có thêm được bạn bè. Đó mới là điều quan trọng,” Nhung phấn khởi. Còn Linh, học sinh từ thành phố Bắc Ninh lên Hà Nội để mai thi vào trường chuyên Sư phạm cho hay, cô bé theo chị đi xem nguyệt thực và thấy buồn vì sự kiện không diễn ra. Song, “em rất thích thú với phần giải đáp về các hiện tượng thiên nhiên. Đây rõ ràng là cơ hội tốt để em biết thêm về các hiện tượng này cũng như giao lưu cùng các anh chị,” Linh nói./.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục