Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Đáng chú ý, xuất khẩu tăng đều ở cả 3 nhóm hàng, trong đó riêng nhóm công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các thị trường chủ lực tăng mạnh
Theo đại diện Bộ Công Thương, sau 9 tháng, xuất khẩu thu về khoảng 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 28,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cuối năm nhiều tín hiệu khả quan khi đơn hàng và thị trường hồi phục
Tính đến hết tháng 8/2024, cả nước đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%.
Nổi bật nhất vẫn là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, sau 9 tháng thu về khoảng 253,9 tỷ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 9,6%).
Trong nhóm này, nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số, đơn cử: sản phẩm chất dẻo tăng 30,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,5%; hàng dệt và may mặc tăng 8,9%; giầy dép các loại tăng 12,5%; sắt thép các loại tăng 14,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,4%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 30%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 22%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 7,2%...
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) thông tin, trong 9 tháng năm 2024, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm toàn hệ thống VNSteel đạt 2,61 triệu tấn tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó sản lượng tiêu thụ thép cán nguội đạt hơn 570.000 tấn và tôn mạ đạt hơn 344.000 tấn với mức tăng trưởng lần lượt là 66,2% và 71,5%. Thép cán dài đạt gần 1,7 triệu tấn tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong 9 tháng năm 2024, doanh thu hợp nhất của Vinatex ước đạt 13.036 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế ước đạt 490 tỷ đồng, bằng 170,1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 89,1% so với kế hoạch.
Với kết quả tích cực trong 9 tháng, đại diện Bộ Công Thương thông tin kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao.
Đơn cử, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 17,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 43,56 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 2%)
Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD, tăng 7% và Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu hàng nhập khẩu có sự chuyển biến
Ở chiều ngược lại, theo đại diện Bộ Công Thương, sau 9 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024 nên cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 248 tỷ USD, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 9 tháng sơ bộ đạt gần 15 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau 9 tháng, cả nước xuất siêu khoảng 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD), trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.
Dự báo những tháng cuối năm, tình hình còn rất nhiều phức tạp khi diễn biến tình tình kinh tế chính trị thế giới khó đoán định. Vì vậy, để phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và bất động sản nhằm sớm đưa những nguồn lực này vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời chủ động nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất cho xuất khẩu.
Ông Diên cũng đề nghị các cơ quan chức năng chú trọng triển khai lãnh đạo, chỉ đạo, quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi. Tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu thị trường và chỉ đạo sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường FTA mà Việt Nam là thành viên, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà sản xuất tiếp cận, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu./.