Số lượng đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải đàm phán với đối tác để ký kết được hợp đồng... là những khó khăn rất lớn của ngành dệt may, da giày do chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 thời gian qua.
Đơn hàng sụt giảm
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, xuất khẩu giày dép các loại 8 tháng đầu năm cũng chỉ thu về khoảng 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.
[Doanh nghiệp nội bứt phá, xuất khẩu tăng khá dù dịch bệnh phức tạp]
Việc sụt giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu chủ yếu do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có những thị trường chủ lực của Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, mặc dù đầu năm đơn hàng có sụt giảm nhưng không đáng kể và doanh nghiệp có thể chuyển dịch sang mặt hàng khác là khẩu trang.
Tuy vậy, những tháng cuối năm, nhất là tháng 11 và 12, dự báo xuất khẩu có thể giảm mạnh hơn, nguyên nhân là do dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp.
Còn theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phải đàm phán để ký được đơn hàng cho những tháng cuối năm.
Hơn nữa, nếu trong giai đoạn tới, khi xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động giảm sẽ khiến doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa vào những tháng cuối năm.
Với tình hình thị trường kể trên, dự báo xuất khẩu dệt may giảm khoảng 16% so với 2019.
“Tập đoàn sẽ nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động,” ông Lê Tiến Trường chia sẻ.
Tương tự với ngành da giày của Việt Nam, việc thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ mặt hàng này.
Trong số đó, những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.... đều có dấu hiệu đi xuống trong những tháng đầu năm nay.
Đơn cử, thị trường Mỹ giảm khoảng 9%, Trung Quốc giảm hơn 19% và Nhật Bản giảm 2%.
“Từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu,” đại diện Bộ Công Thương dự báo.
Tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA
Theo đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình, do vậy kéo theo đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại.
Rõ rệt nhất là bước sang quý 3/2020, tình hình thị trường đối với lĩnh vực da giày và dệt may thế giới vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều, điều này kéo theo niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở nhiều thị trường lớn chưa có những tín hiệu tốt.
Bên cạnh đó, các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững lại.
“Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch COVID-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần,” đại diện Vụ Kế hoạch thông tin thêm.
Trước những dấu hiệu trên, để đạt được các kết quả cao nhất về sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hạ giá thành để nâng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Mặt khác cùng chia sẻ với khách hàng để nâng lượng cầu khách hàng, bố trí công việc hợp lý, thời gian làm việc, dành thời gian đào tạo để nâng cao tay nghề lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8 được cho là đòn bẩy tích cực cho các doanh nghiệp dệt may và da giày.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhìn nhận, EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu với giá trị khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm.
“Chúng tôi kỳ vọng việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu giày vào thị trường này, giúp bù đắp những thiệt hại của xuất khẩu trong những tháng đầu năm,” đại diện Lefaso nói.
Đáng chú ý, để có thể tận dụng cơ hội từ hiệp định này nhằm gia tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tập trung mạnh cho việc tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của hiệp định EVFTA, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Dự báo xuất khẩu dệt may vào một số thị trường năm 2020 giảm mạnh so với 2019:
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này đang tích cực triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn tới nhằm góp phần phát triển xuất khẩu bền vững cũng như giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP…
Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử trong bối cảnh dịch bệnh không thể thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau./.