Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, lưu trữ dữ liệu về hộ tịch đã được triển khai ở tất cả các địa phương. Dữ liệu này cũng đang từng bước kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, góp phần quan trọng trong cải cách các thủ tục hành chính cho người dân.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội.
Cả nước có trên 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch
Sau 6 năm thực thi Luật Hộ tịch, đến nay công dân Việt Nam có thể tự lựa chọn thực hiện đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất. Theo đó, người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Hiện nay, tất cả các tỉnh/thành phố của Việt Nam đã triển khai đăng ký khai sinh trực tuyến, 62/63 tỉnh, thành phố cho phép đăng ký khai tử trực tuyến; 62/63 tỉnh, thành phố có đăng ký kết hôn trực tuyến. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh kết nối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, góp phần kết nối, chia sẻ thông tin, giảm tải thời gian cho đội ngũ cán bộ công chức.
Tính đến ngày 12/12/2022, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có tổng số hơn 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, gồm trên 36,3 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; trong đó có trên 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trên 4,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 6 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và trên 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đánh giá việc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu hộ tịch có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó không thể tách rời, góp phần giúp đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống.” Việc liên thông hai cơ sở dữ liệu này là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân.
“Nếu như trước đây, một công dân phải tự quản lý khoảng 22 giấy tờ tùy thân thì sau khi liên thông Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư-Cơ sở dữ liệu hộ tịch, mỗi người dân chỉ cần tự quản lý mã số định danh cá nhân duy nhất ngay từ khi mới sinh ra. Việc tra cứu thông tin khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao chứng thực các giấy tờ công dân, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại cho nhân dân,” đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay.
Không chỉ liên thông với cơ sở dữ liệu về dân cư, từ năm 2019 đến nay, thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, 2 nhóm thủ tục hành chính là đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được liên thông và hoàn toàn thực hiện trên môi trường điện tử tại tất cả các địa phương toàn quốc, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ công
Đánh giá 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết sự hài lòng của người dân đối với công tác hộ tịch được ghi nhận trên cả nước và được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từng bước đi vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn. Cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật Hộ tịch cũng còn có những tồn tại như: Việc triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; tỷ lệ đăng ký khai tử còn thấp; tính kịp thời và đầy đủ khi đăng ký các sự kiện hộ tịch cần phải được cải thiện.
[Trẻ đầu tiên được cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cùng lúc]
Theo các chuyên gia, số liệu thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương cũng như đo lường các kết quả phát triển, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Chẳng hạn, số liệu thống kê kịp thời được phân tổ theo nguyên nhân tử vong và các đặc trưng nhân khẩu học là những thông tin quan trọng trong việc thiết kế, thực hiện, giám sát các chính sách y tế công cộng, cũng như để phát hiện những vấn đề mới nổi liên quan đến sức khỏe.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh cơ chế đăng ký hộ tịch tinh gọn xuyên suốt vòng đời là rất quan trọng vì nó đảm bảo rằng các sự kiện sinh, kết hôn, tử và các sự kiện hộ tịch khác đều được đăng ký, ghi nhận bởi các cơ quan pháp luật có thẩm quyền.
“Công dân với các giấy tờ hộ tịch có thể tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm, bảo trợ xã hội và các dịch vụ khác. Đăng ký hộ tịch cũng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, tạo nên khuôn khổ giải quyết bất bình đẳng giới,” bà Naomi Kitahara nói.
Bà Naomi Kitahara chia sẻ: “Chúng ta chỉ còn tám năm để hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Chúng ta cần nhớ rằng 15 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững có sử dụng các chỉ số với các dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch có chất lượng. Như vậy, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch có thể được coi như một công cụ thúc đẩy để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững này.”
Để nâng cao chất lượng thực thi Luật Hộ tịch trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đăng ký hộ tịch; củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan; đẩy mạnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát văn bản để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về hộ tịch thông qua. Đối với nhân lực thực thi chính sách, Bộ Tư pháp cũng chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã./.