Tại hội thảo "Đơn giản hóa thủ tục chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/10, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết các cơ quan quản lý đang nỗ lực rà soát hệ thống văn bản, quy định về quản lý nhằm triển khai Nghị quyết số 19 của Chính phủ với mục tiêu quan trọng là cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam là nước có hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng lớn, gia tăng với tốc độ cao qua từng năm và thực tế đó đặt ra yêu cầu cần liên tục cải cách đơn giản hóa các loại thủ tục nhằm giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp (doanh nghiệp).
Trong đó, việc áp dụng hình thức hải quan điện tử đang hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình này, nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp, xã hội.
Tuy nhiên, việc đơn giản hóa các thủ tục đối với hàng xuất nhập khẩu là một quá trình không có điểm dừng và trên thực tế cũng còn bộc lộ một số tồn tại, cần tiếp tục giải quyết. Bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, vẫn còn tình trạng các đơn vị hải quan yêu cầu doanh nghiệp xuất trình các loại giấy tờ khác nhau và không thống nhất về cách hiểu nội dung, giá trị của giấy tờ.
Có khi doanh nghiệp phải có đủ 12 loại giấy và cần rất nhiều thời gian để kê khai, hoàn thiện các biểu mẫu; thậm chí có sự chồng chéo do nhiều cơ quan chức năng cùng yêu cầu quản lý, kiểm tra đối với cùng một loại sản phẩm.
Một số văn bản pháp lý chưa bao quát đầy đủ yêu cầu thực tiễn, thiếu tính chính xác gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bà Đặng Thị Bình An cho biết thêm, trong quá trình khảo sát hiện nay danh mục quản lý chuyên ngành công bố nhiều nhưng không có tiêu thức rõ ràng nào nên doanh nghiệp và cơ quan thực thi khó thực hiện.
Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị, cần triệt để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, cần nhấn mạnh nguyên tắc, không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy tờ ngoài quy định; các bộ, ngành cần ban hành đủ các quy chuẩn để cơ quan quản lý và doanh nghiệp có điều kiện so sánh, thực hiện; chỉ định rõ cơ quan hoặc tổ chức có trách nhiệm thực hiện việc kiểm định chất lượng, phân tích mẫu hàng hóa và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan cũng như công nhận và sử dụng chung số liệu giữa các cơ quan…
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, để tìm giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi cảnh bị "ép tứ bề", chỉ cần người đứng đầu làm có trách nhiệm, xử lý cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp làm sai thì sẽ khắc phục được nhiều vấn đề./.