Đơn giá, định mức dự án của ngành giao thông đang được xây dựng ra sao?

Nhiều đơn giá, định mức thi công của các công trình, dự án giao thông vẫn chưa sát với thực tiễn đã dẫn đến nhà thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần thiết phải rà soát, bổ sung và điều chỉnh.
Đơn giá, định mức cho nhà thầu thi công dự án giao thông vẫn chưa sát với thực tiễn và cần thiết phải xây dựng, ban hành điều chỉnh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo gỡ khó về định mức, đơn giá, vật liệu xây dựng công trình giao thông, theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2023, khoảng 1.220 mã định mức (647 mã xây dựng mới, 573 mã điều chỉnh) đã được đề xuất điều chỉnh, bổ sung.

Ông Tiến cũng chỉ ra thực tế hiện nay vẫn chưa có định mức cơ sở để xây dựng định mức theo phương pháp tính toán từ biện pháp thi công, công nghệ thi công; chưa có quy định về số liệu đảm bảo độ tin cậy để ban hành định mức; bộ định mức chung do Bộ Xây dựng đã cơ bản đầy đủ các định mức ngành Giao thông Vận tải nên khó có thể phân biệt được đâu là định mức chung, đâu là định mức chuyên ngành để ban hành theo thẩm quyền.

Lý giải về định mức, đơn giá hiện nay vẫn chưa bắt kịp thực tiễn, ông Tiến cho rằng để ban hành định mức xây dựng mới hoặc điều chỉnh, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, phải tổ chức khảo sát, xây dựng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư và tổng kết đánh giá quá trình áp dụng định mức. Tuy nhiên, để triển khai khảo sát tại các công trình, dự án đòi hỏi phải có công địa thi công tương ứng với từng công tác đặc thù nên sẽ mất nhiều thời gian.

“Mặt khác, định mức là kết quả của sự tổng hợp từ thực tế thi công của nhiều công trình, dự án đối với cùng một hạng mục công việc cho đến khi số liệu đảm bảo độ tin cậy mới đủ điều kiện để công bố định mức chung hoặc định mức chuyên ngành dùng chung cho ngành. Vì vậy, để ban hành định mức sẽ mất nhiều thời gian đồng thời định mức luôn được xây dựng từ thực tiễn nên không thể ban hành trước khi thực tế thực hiện,” ông Tiến nói thêm.

Đến nay, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành và xin ý kiến các đơn vị liên quan khoảng 547 mã định mức xây dựng mới, định mức điều chỉnh. Thời gian tới, cục sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, cập nhật, sửa đổi, ban hành các định mức còn thiếu, chưa phù hợp để hoàn thiện hệ thống định mức sao cho phù hợp nhất với thực tiễn.

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng bày tỏ quan điểm cần thiết nghiên cứu để Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải hoặc Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức xây dựng định mức, tư vấn lập định mức như Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) nhằm chủ động, góp phần đẩy nhanh việc tổ chức khảo sát xây dựng định mức, thu thập thông tin, sớm hoàn thiện hệ thống định mức chuyên ngành và cung cấp cơ sở dữ liệu để Bộ Xây dựng tham khảo, ban hành định mức chung.

“Các đơn vị trên sẽ chủ trì, làm đầu mối để rà soát sẽ hạn chế việc trùng lặp khảo sát định mức tại các dự án có công việc tương tự,… nhưng hạn chế là có thể sẽ phát sinh nguồn lực phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng định mức,” ông Tiến góp ý.

Các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng sẽ rà soát, cập nhật, sửa đổi, ban hành các định mức còn thiếu, chưa phù hợp để hoàn thiện hệ thống định mức sao cho phù hợp nhất với thực tiễn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục rà soát, lập kế hoạch để tổ chức khảo sát tại các dự án sẽ triển khai thi công đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để rà soát, đề xuất Bộ Xây dựng cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các định mức còn thiếu, còn chưa phù hợp nhằm hoàn thiện hơn hệ thống định mức chung đã ban hành tại Thông tư 12, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xin ý kiến thỏa thuận với Bộ Xây dựng về danh mục định mức chuyên ngành làm cơ sở tổ chức khảo sát thực tế và ban hành định mức chuyên ngành theo quy định.

Hiện nay, nhiều nhà thầu tham gia thi công các dự án giao thông cũng kiến nghị cơ quan quản lý chuyên ngành sớm rà soát, tổng kết các định mức đã xây dựng để bổ sung trong nhóm định mức chung hoặc xây dựng định mức chuyên ngành giao thông, tạo thuận lợi cho nhà thầu đồng thời cam kết cùng chung tay với Bộ Giao thông Vận tải cung cấp thêm các cơ sở dữ liệu chính xác, có định lượng để xác định, lập các định mức đề nghị Bộ Xây dựng thỏa thuận thống nhất để Bộ Giao thông Vận tải ban hành định mức chuyên ngành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục