Bài 2: Tránh đứt gãy thị trường lao động sau những ngày nghỉ Tết

Đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023

Không chỉ khắc phục tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi,” chỉ thị số 03/CT-TTg còn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động sau Tết.
Đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023 ảnh 1Chế biến cá da trơn tại Công ty Cổ phần Gò Đàng, Khu Công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Bài 2: Tránh đứt gãy thị trường lao động sau Tết

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, nắm bắt kịp thời tình hình lao động, việc làm sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy cung ứng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023.

Điệp khúc biến động nhân lực hậu Tết

Việc các doanh nghiệp không có sự ổn định nhân công sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, đã trở thành điệp khúc. Các công ty đóng chốt ở các đô thị hoặc tại các khu công nghiệp lớn thường đối mặt với tình trạng công nhân nhảy việc vào đầu năm mới hoặc ăn Tết xong với gia đình là ở lại địa phương tìm việc làm.

Đề cập vấn đề thiếu lao động sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, hằng năm trước Tết Nguyên đán, cả nước thường thiếu hụt khoảng 10% lực lượng lao động, sau Tết thì thiếu tới 20%.

Năm ngoái, sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 các doanh nghiệp thiếu hụt khoảng 15% lực lượng lao động. Nguyên do là trong khoảng thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, hàng triệu lao động đang làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã về quê, nhiều người trong số đó thiếu động lực để quay lại. Điều này dẫn đến nguy cơ đứt gãy thị trường lao động.

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình trạng thiếu hụt lao động được dự báo có xu hướng tăng. Lý do là ở những tháng cuối năm, tình trạng thất nghiệp lan rộng và dường như chưa có dấu hiệu chấm dứt khiến công nhân có tâm lý về quê kiếm việc làm.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong quý 1/2023 sẽ có hiện tượng thiếu việc làm ở các ngành dệt may, da giày và chế biến gỗ, chủ yếu ở khu vực phía Nam.

Cụ thể, theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 là khoảng 377.700 người, cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua.

Vào trung tuần tháng 1/2023 Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh dự báo rằng thành phố có nguy cơ thiếu hụt lao động sau Tết, tập trung chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, gỗ, chế biến thực phẩm…

Nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành công nghệ thông tin, điện-điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng, vận tải-kho bãi-dịch vụ cảng, kinh doanh-bán hàng; marketing, tư vấn-chăm sóc khách hàng…

Trong quý 3 và quý 4 năm 2022, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh bị giảm đơn hàng nên đã phải sắp xếp lại thời gian làm việc như cho công nhân giảm giờ làm, nghỉ một số ngày trong tuần hoặc đi phép năm, thậm chí có công ty phải cắt giảm lao động.

Điều này khiến nhiều người lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng thu nhập và gặp khó khăn trong đời sống. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động do người lao động có tâm lý về quê nghỉ Tết và ở lại tìm kiếm việc làm.

Xét về quy mô cả nước, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam vẫn dư thừa lao động nhưng thị trường lao động phát triển không đồng đều, việc cung ứng nhân lực còn nhiều bất cập, số lượng nhân công có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Việc kết nối cung-cầu lao động còn hạn chế, đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề.

Bên cạnh đó, việc tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin giữa các ngành, vùng trên cả nước; cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên, có độ trễ lớn.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Nhu cầu tuyển dụng lao động gia tăng sau Tết]

Trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu hẹp đơn hàng khiến khoảng 53.000 lao động mất việc thì các doanh nghiệp khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng hơn 300.000 người.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá, năm 2023, thách thức từ các yếu tố bên ngoài sẽ ngày càng gia tăng, sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, lạm phát có thể tăng cao ngay từ những tháng đầu năm, áp lực, rủi ro đối với nền kinh tế, công tác điều hành vĩ mô ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ đối với khả năng tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực. Dự báo, trong năm 2023, cụ thể là quý 1, quý 2, tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra.

Tăng gắn kết doanh nghiệp-người lao động

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, toàn ngành đẩy mạnh rà soát về tình hình sản xuất-kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, những ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung-cầu lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên phiên trực tuyến và hỗ trợ người lao động khi tìm việc…

Đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023 ảnh 2Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) là doanh nghiệp 100% nguồn vốn nước ngoài, chuyên xuất khẩu sản phẩm may mặc đi thị trường Âu-Mỹ. (Ảnh: Quốc Dũng/ TTXVN)

Về lâu dài, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng một lưới an sinh xã hội gắn liền với đảm bảo việc làm không chỉ chủ động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, mà còn tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại.

Để giữ sự ổn định cung-cầu của thị trường lao động sau Tết Quý Mão 2023, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đề xuất việc phân tích cung cầu thị trường lao động qua các phiên giao dịch việc làm, nhất là dịp cuối năm 2022, cho thấy, người lao động rất quan tâm đến vấn đề tiền lương, phụ cấp, chế độ ưu đãi khi làm việc.

Việc tăng lương, phụ cấp cũng là điều mà nhiều người lao động mong chờ trong năm 2023, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp giữ chân được người lao động gắn bó lâu dài.

Kết quả cuộc khảo sát lương do Navigos Group (tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam) công bố mới đây cũng cho thấy, xét về những yếu tố mà người lao động sẽ cân nhắc khi chuyển việc thì lương và môi trường làm việc tiếp tục là hai sự lựa chọn chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 13,56% và 11,27%.

Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm chung của thành phố, căn cứ những đánh giá về thị trường lao động trong thời gian tới, đặc biệt sau thời gian nghỉ Tết, để tiếp tục nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tổ chức đồng bộ trên toàn hệ thống các điểm sàn.

Thị trường lao động Hà Nội đang duy trì được tính ổn định tương đối. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục thu thập thông tin để nắm bắt, đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự biến động thị trường lao động tới tình hình sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp.

Từ đó, đơn vị lập kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề, phiên việc làm online phù hợp với các nhóm đối tượng. Sau Tết, Trung tâm có kế hoạch tổ chức phiên việc làm đầu Xuân, phiên việc làm cho thanh niên.

Nhìn chung trên cả nước thì chính quyền các địa phương, các cấp công đoàn và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp tăng tính gắn kết giữa phía sử dụng lao động và người lao động. Nhờ đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực sau Tết đã giảm xuống đáng kể, nhất là ở khu vực phía Nam.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết), có tới 95% số người lao động của thành phố trở lại làm việc. Con số này ở Long An cũng là 95%, ở Đồng Nai hơn 90%, ở Bình Dương 86%...

Do được chăm lo tốt về đời sống với tiền thưởng Tết thường là bằng một tháng lương, công nhân được doanh nghiệp đưa xe đón trở lại sau Tết, Tết Sum vầy, Chợ Công đoàn được tổ chức ở nhiều nơi, nên sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp được nâng cao.

Sự đứt gãy thị trường lao động sau Tết đã không xảy ra, tình trạng thiếu hụt nhân công đầu năm tại các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với dự báo./.

Bài 1: Để Tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục