Trong phiên giao dịch ngày 13/11, tại thị trường châu Á, đồng yen xuống giá so với đồng USD và đồng euro do đồn đoán Nhật Bản sẽ trì hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng dự kiến cho năm 2015.
Trong khi đó, đồng bảng Anh cũng đi xuống sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hạ dự báo tăng trưởng và lạm phát.
Cuối phiên này tại thị trường Tokyo, đồng bạc xanh giao dịch ở mức 115,69 yen/USD, tăng so với mức 115,52 yen/USD tại New York trước đó. Đồng euro cũng tăng từ mức 143,70 yen/euro lên 143,93 yen/euro. Đồng tiền chung châu Âu đi lên so với đồng USD, tiến từ mức 1,2438 USD/euro lên 1,2443 USD/euro ghi nhận trong phiên giao dịch đêm trước (12/11).
Đồng yen tiếp tục hứng chịu sức ép sau khi trượt xuống mức “đáy” của 7 năm qua so với đồng USD trong phiên ngày 12/11 do đồn đoán Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trì hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng giai đoạn hai trong khoảng một năm rưỡi.
Đồn đoán này đã nổi lên sau khi đợt tăng thuế tiêu dùng hồi đầu tháng Tư vừa qua được cho là đã kìm hãm sức chi tiêu tiêu dùng và hiện đang đe dọa sẽ đẩy nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái. Dự kiến, thống kê về tăng trưởng kinh tế quý 3 của Nhật Bản sẽ được công bố vào thứ Hai (17/11).
Trong một diễn biến khác, động thái BoE cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát cũng đã đẩy giá trị đồng bảng Anh đi xuống. Trong phiên này, đồng bảng Anh giao dịch ở mức 1,5771 USD/bảng, giảm so với mức 1,5781 USD/bảng tại New York trước đó.
Ngoài ra, BoE cho hay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo tăng 2,9% vào năm 2015, giảm so với ước tính tăng 3% trước đó, cho thấy tình trạng kinh tế vẫn còn trì trệ.
Một thông tin khác cho biết các cơ quan điều tra của Mỹ, Anh và Thụy Sĩ hôm 12/11 đã thông báo xử phạt số tiền trị giá 4,2 tỷ USD đối với 6 ngân hàng lớn nhất thế giới (gồm HSBC, Ngân hàng Hoàng gia Scotland, Ngân hàng trung ương Anh, Citigroup, JPMorgan Chase và ngân hàng UBS của Thụy Sỹ) với lý do thao túng thị trường ngoại hối. Khoảng 40% lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối được thực hiện tại London (Anh).
Trong cùng phiên này, đồng USD giao dịch trái chiều so với các đồng nội tệ khác của Khu vực châu Á- Thái Bình Dương như xuống giá so với đồng SGD Singapore, đồng won Hàn Quốc, đồng baht Thái, đồng TWD Đài Loan và đồng peso Philippines, nhưng tăng giá so với đồng rupiah Indonesia và vững giá so với đồng rupee Ấn Độ./.