Đồn Cao Đông Triều và Đền An Biên là di tích cấp Quốc gia

Đồn Cao Đông Triều và Đền An Biên là những di tích lịch sử, thể hiện ý chí quật cường trong dựng nước và giữ nước của nhân dân Quảng Ninh.
Đồn Cao Đông Triều và Đền An Biên là di tích cấp Quốc gia ảnh 1Quang cảnh Lễ trao bằng xếp hạng di tích quốc gia cho di tích Đồn Cao Đông Triều và đền An Biên. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Đệ tứ Chiến khu-Chiến khu Trần Hưng Đạo (8/6/1945- 8/6/2017), ngày 4/6, tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử Đồn Cao Đông Triều và di tích lịch sử Đền An Biên.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã khẳng định những giá trị lịch sử tiêu biểu của hai di tích Đồn Cao Đông Triều và Đền An Biên.

Đông Triều là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.

Trong những năm qua, thị xã Đông Triều đã chủ động huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị nhiều di tích quan trọng. Thị xã bước đầu có những hình thức quảng bá di tích gắn với phát triển du lịch khá bài bản.

[Cả nước có thêm sáu di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia]

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên lưu ý thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều cần đẩy mạnh công tác giới thiệu, tuyên truyền về các giá trị của di tích; qua đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng để di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Đông Triều là vùng đất ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa. Một trong những sự kiện trên mảnh đất này được sử sách ghi chép lại là cuộc khởi nghĩa của Nữ tướng Lê Chân vào năm 39 sau Công nguyên.

Đền An Biên thờ Nữ tướng Lê Chân là di tích lịch sử tưởng nhớ nữ tướng, người con của quê hương Đông Triều trong thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước.

Đến giai đoạn lịch sử cách mạng, Đệ tứ Chiến khu là một trong những chiến khu lớn, hoạt động mạnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám.

Những dấu tích của Đồn Cao Đông Triều là minh chứng lịch sử ghi dấu những năm tháng hào hùng không thể quên của nhân dân Quảng Ninh, nhân dân Đông Triều.

Sáng ngày 8/6/1945, nghĩa quân Việt Minh đã chiếm lĩnh Đồn Cao Đông Triều, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi tại Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập Chiến khu Đông Triều, hay còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo, Đệ tứ Chiến khu-Chiến khu cách mạng thứ tư trong cả nước ra đời trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Sự ra đời của chiến khu đã giải phóng một vùng rộng lớn ở vùng Duyên hải Đông Bắc, góp phần cùng cả nước tiến hành khởi nghĩa thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Di tích Đồn Cao Đông Triều và Đền An Biên là những chứng tích, di tích quan trọng đánh dấu những thời kỳ lịch sử của đất nước, thể hiện ý chí quật cường của dân tộc ta nói chung, nhân dân Đông Triều nói riêng trong thời kỳ dựng nước và giữ nước.

Hiện nay, các công trình thuộc di tích Đồn Cao Đông Triều đã bị phá hủy khá nhiều, chỉ còn lại một phần trong số các công trình như nhà ở của Quan ba Pháp, nhà ở của lính khố xanh và nhà biệt giam tra tấn tù nhân Cộng sản, trận địa pháo, hệ thống lô cốt, hầm ngầm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục