Bài 4: Xây dựng hệ thống chính trị ở địa bàn đặc biệt khó khăn ​

Đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng trung du, miền núi Bắc Bộ

Tiếp theo giải pháp về hạ tầng giao thông và giảm nghèo, bài 4 của chùm bài đề cập đến công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng khó của trung du, miền núi Bắc Bộ.
Cán bộ kỹ thuật ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) hướng dẫn người dân trồng rau sạch, cho kinh tế cao. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Bài 4: Xây dựng hệ thống chính trị ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Trong số các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, nhiều địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn, cán bộ còn thiếu và yếu.

Một nhiệm vụ của Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị được đề ra là các cấp ủy đảng, chính quyền phải đào tạo và bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số để họ thấy được chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, phát huy tính làm chủ, sáng tạo.

Đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số

Là tỉnh vùng cao biên giới với trên 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã đào tạo hiệu quả đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần để công tác đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn bảo đảm đúng, đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, hiện tỉnh có 25.453 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, tỉnh; trong đó cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm 30,42%. Cấp xã có 3.166 cán bộ, công chức; trong đó cán bộ dân tộc thiểu số chiếm 61,02%. Từ năm 2014 đến nay, Lào Cai đã có 175 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường, trong đó có 114 em đã được bố trí công việc, đạt 65,14%.

[Để trung du, miền núi Bắc Bộ phát triển xanh, bền vững và toàn diện]

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, anh Vàng Láo Lở dân tộc Dao trở về địa phương - xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát công tác. Qua nhiều vị trí, từ cán bộ tư pháp, cán bộ Đoàn của xã rồi Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, năm 2019, anh Lở được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phìn Ngan. Cùng với tập thể lãnh đạo xã, anh Lở đã mạnh dạn đưa các giống cây con mới vào để bà con gieo trồng, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Nếu như những năm trước, Phìn Ngan luôn được coi là vùng đất dữ, thiên tai lũ ống thường xuyên xảy ra, người dân không an tâm sản xuất thì Phìn Ngan hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng đất tiềm năng với nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

“Xã Phìn Ngan có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm nay bà con vẫn mang nặng tư duy sản xuất theo hướng tự cung tự cấp. Vì vậy, dù vất vả nhưng đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn. Để bà con tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, trước tiên đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Khi thấy hiệu quả, bà con sẽ hưởng ứng làm theo,” anh Vàng Láo Lở chia sẻ.

Bà Giàng Thị Bằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai cho biết công tác đào tạo, quy hoạch và bố trí cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định. Điều đó thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với với công tác xây dựng hệ thống chính trị ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới.

Đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để địa phương triển khai có hiệu quả hơn các chính sách về cán bộ dân tộc thiểu số trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn.

Tại tỉnh Yên Bái, công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ luôn được coi trọng. Việc tìm kiếm, lựa chọn, tạo nguồn để trẻ hóa, bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ, có chất lượng là việc làm thường xuyên, liên tục và chặt chẽ trong nhiều năm qua.

Ông Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái, đánh giá công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ được tỉnh làm rất thận trọng, bài bản, đúng quy trình. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác dự nguồn các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng và cơ cấu, đảm bảo đúng quy định theo hướng tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số.

Nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035 được tỉnh Yên Bái thực hiện. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền trên toàn tỉnh chú trọng và quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ tại chỗ.

Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái Giàng A Thào, chia sẻ để tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ tại chỗ, cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc, thì công tác cán bộ phải được công khai, minh bạch. Số cán bộ trẻ được quy hoạch phải được thử thách, rèn luyện, tạo môi trường thuận lợi để phát huy cao nhất về phẩm chất, năng lực, trình độ.

Sau khi được Tỉnh ủy phê duyệt, số cán bộ trẻ sẽ được huyện bố trí vào các chức danh công tác phù hợp với năng lực, sở trường; đồng thời luân chuyển về cơ sở để trải qua nhiều nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhất là những vị trí có liên quan trực tiếp đến người dân.

Thu hút, trọng dụng nhân tài

Yên Bái là tỉnh miền núi khó khăn, vì vậy việc thu hút, trọng dụng nhân tài được xác định là một trong ba đột phá chiến lược-phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Để nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tỉnh Yên Bái đã thực hiện chính sách đặc thù thu hút đội ngũ tri thức có năng lực, trình độ cao về tỉnh làm việc.

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái tổ chức thi vẽ tranh cho học sinh Trường dân tộc nội trú Trạm Tấu. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cho biết tỉnh kiên trì nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài giai đoạn hiện nay. Các tổ chức đảng, cấp ủy chính quyền các cấp có nghĩa vụ, trách nhiệm phát hiện, giới thiệu người có tài, có đức cho tổ chức để trọng dụng; đổi mới về tư duy, quan điểm trong thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ được đào tạo từ cơ sở, trưởng thành trong thực tiễn công việc; đồng thời thực hiện tốt và kịp thời các chế độ đãi ngộ để nhân tài phát huy năng lực, sở trường cống hiến cho sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, công tác sắp xếp, sử dụng cán bộ trẻ có tài, nhất là cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số phải phù hợp, tạo động lực, môi trường công tác thuận lợi đối với cán bộ giỏi tại các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Tuyên Quang điều động biệt phái cán bộ từ cấp tỉnh về xã để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở cơ sở. Đề án số 04-ĐA/TU ngày 22/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đưa cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, triển vọng phát triển đang công tác ở các cơ quan cấp tỉnh về xã công tác giai đoạn 2017-2020 đã mang lại những kết quả tích cực.

Đến xã Thái Bình, huyện Yên Sơn - xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Tuyên Quang là nơi chị Lê Thị Thanh Nhàn, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang được “biệt phái” để hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới.

Sau những bỡ ngỡ ban đầu do thay đổi môi trường làm việc, chị nhanh chóng bắt kịp công việc mới. Chị đã đề xuất nội dung làm việc điều hành hội nghị của lãnh đạo xã ngắn gọn, cụ thể và rõ ràng hơn.

Công việc giao cho cán bộ, công chức cụ thể hơn gắn với việc kiểm tra, đôn đốc. Mỗi cán bộ xã xác định công việc trọng tâm cần thực hiện trong tuần, trong tháng. Mỗi tổ chức đoàn thể đăng ký ít nhất một việc cụ thể trong tháng để thực hiện.

“Cấp ủy, chính quyền tại xã có cán bộ biệt phái cần thật sự trân trọng ý kiến tham mưu, đề xuất của cán bộ biệt phái nếu xét thấy phù hợp với tình hình thực tế. Với sự nỗ lực, kiến thức, trình độ của mỗi cán bộ biệt phái cộng với sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tại địa phương có cán bộ được biệt phái đến công tác, chắc chắn, cán bộ biệt phái sẽ còn làm được nhiều hơn cho cơ sở và không ngừng trưởng thành,” chị Lê Thị Thanh Nhàn tâm sự.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang Ma Thế Hồng khẳng định việc đưa cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, triển vọng phát triển đang công tác ở các cơ quan cấp tỉnh về xã công tác, cho thấy cán bộ biệt phái đã chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng tạo trong công việc.

Cán bộ biệt phái đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua những lúng túng ban đầu, chủ động nắm bắt tình hình tại cơ sở, gắn bó, gần gũi với cán bộ, công chức và nhân dân địa phương. Từ đó, vừa thực hiện nhiệm vụ được giao vừa làm tốt công tác dân vận, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của nhân dân đối với các nghị quyết, đường lối của Đảng./.

Bài 1: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ: Lá phổi xanh của Tổ quôc

Bài 2: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đột phá từ hạ tầng giao thông

Bài 3: Nâng cao đời sống người dân, xóa vùng "lõi nghèo" cả nước

Đón đọc bài 5: Ý Đảng hợp lòng dân, đưa nghị quyết vào cuộc sống

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục