Bộ Nội vụ Pháp cho biết đối tượng tấn công bằng dao tại thành phố Marseille, miền Nam nước này, hôm 1/10 vừa qua từng có 7 tiền sự kể từ năm 2005.
Tên này bị bắt gần đây nhất là hôm 29/9 vừa qua vì tội trộm cắp tài sản ở thành phố Lyon, miền Đông nước Pháp, song được trả tự do một ngày sau đó.
Theo các công tố viên, đối tượng trên sở hữu 7 thẻ căn cước với 7 danh tính khác nhau, tuy nhiên không có tên nào trong số này bị Pháp liệt vào danh sách khủng bố. Khi bị bắt tại Lyon, tên này khai là "Ahmed H" - sinh năm 1987 tại Tunisia, đã ly hôn, sử dụng ma túy và không có nơi cư trú cụ thể.
[Pháp nỗ lực xác minh danh tính nghi phạm vụ tấn công ở Marseille]
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb đặt thời hạn một tuần để các công tố viên xác định nguyên nhân cảnh sát Lyon đã trả tự do cho đối tượng này. Theo những kết quả điều tra ban đầu, ở thời điểm đối tượng này bị bắt giữ, vị quan chức được quyền ký lệnh bắt giam và trục xuất các đối tượng phạm tội không có mặt tại Lyon, đồng thời tại thành phố này cũng không còn chỗ cho việc tạm giam.
Chỉ một ngày sau khi được trả tự do, Ahmed H đã dùng dao tấn công người qua đường tại nhà ga Saint-Charles - ga xe lửa chính ở thành phố Marseille - khiến 2 phụ nữ trẻ thiệt mạng, sau đó bị lực lượng an ninh khu vực bắn hạ.
Các nhân chứng cho biết trước khi thực hiện vụ tấn công, tên này đã hét to "Allahu Akbar" (Thánh Allah Vĩ đại). Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xác nhận đứng sau vụ tấn công, tuy nhiên cơ quan chức năng Pháp cho biết hiện chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy đối tượng từng liên hệ với IS, mặc dù không loại trừ động cơ khủng bố trong vụ việc này.
Cũng trong ngày 2/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và gia đình các nạn nhân. Bà Merkel khẳng định Đức sẽ luôn sát cánh với Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, Tổng thống Pháp lên án vụ tấn công là một "hành động man rợ."
Dự kiến, trong ngày 3/10, Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật chống khủng bố, theo đó trao thêm quyền lực cho cảnh sát theo lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia vốn được áp đặt tại Pháp kể từ tháng 11/2015, sau khi IS tiến hành hàng loạt vụ tấn công liều chết tại các quán bar, sân vận động và nhà hát Bataclan khiến 130 người thiệt mạng./.