Đổi tiền lẻ dịp Tết - Bao giờ bỏ được thói quen không lành mạnh?

Một việc làm khá phi lý và vi phạm pháp luật đó là đổi tiền lẻ mất phí vào dịp Tết nhưng rất nhiều người vẫn vô tình tiếp tay cho hoạt động này, và đây là một thói quen cần được thay đổi.
Dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động công khai trên phố Kim Ngưu, Hà Nội. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đến hẹn lại lên, dịch vụ đổi tiền lẻ mỗi dịp Tết đến Xuân về lại “nở rộ.”

Đổi tiền lẻ để đi lễ chùa hay lì xì đầu năm đã trở thành nhu cầu của một bộ phận người dân. Điều đáng nói, nhu cầu này bấy lâu nay đã bị đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi.

Không khó để có thể tìm ra một trang mạng cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ với một cú nhấp chuột. Những trang web này cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại.

Khách hàng chỉ cần gọi điện vào số hotline của bất cứ website đổi tiền nào cũng được nhân viên "chăm sóc" chu đáo, đưa ra các loại mệnh giá tiền và cam kết tiền mới 100%, nguyên cọc, đầy đủ số tờ, mức phí thấp, giao hàng tận nơi…

Theo quảng cáo, tiền mệnh giá càng lớn thì mức phí càng giảm, ví dụ như 1.000, 2.000 đồng mức phí 16% trở lên, 10.000 đồng mức phí 10% trở lên, 100.000 đồng thì mức phí giảm xuống còn 6%.

Đổi tiền mất phí! Một việc làm dường như phi lý và vi phạm pháp luật nhưng nhiều người vẫn vô tình tiếp tay cho hoạt động này, và đây là một thói quen cần được thay đổi.

Một cụ ông trong Ban quản lý Di tích lịch sử Đình Trai Trang ở Thị trấn Yên Mỹ, Hưng Yên cho rằng, việc rải tiền lẻ đi lễ chùa là tập quán lâu đời của người Việt và cần thời gian để thay đổi. Người dân nên hiểu rằng đã đến với chốn linh thiêng thì điều quan trọng là cái tâm của người đến.

Theo quan niệm tâm linh, để tiền ở các cung ban hay trong hòm công đức không có gì khác nhau bởi cuối cùng cũng được nhà đền thu gom về một chỗ. Hơn nữa, đặt tiền không đúng cách sẽ gây phản cảm, thiếu văn minh, không phải cứ rải nhiều nơi là tốt.

Bà Thảo, một người dân ở Hưng Yên cho biết, trước kia mỗi khi đi lễ chùa bà thường đổi nhiều tiền lẻ và đặt đủ các cung, ban. Nhưng gần đây, thấy việc rải tiền lẻ ở nhiều nơi gây tốn kém và mất công của nhiều người nên bà đã bỏ thói quen này, giờ bà chỉ mua lễ và đặt tiền ở ban thờ chính.

Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không phát hành tiền mới, mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán và chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2013, cơ quan này thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội và nhận được sự đồng thuận của người dân.

Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương này lên đến 1.900 tỷ đồng.

Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Văn Phúc, một cán bộ nghỉ hưu ở phố Lò Đúc, Hà Nội cho rằng, con số 1.900 tỷ đồng này không hề nhỏ, nó có thể giúp xã hội xây được nhiều trường học hay giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Với gần 2.000 tỷ đồng, nhiều em nhỏ ở nông thôn sẽ được cắp sách đến trường thay vì phải nghỉ học để mưu sinh.

“Theo tôi, đây là một việc đáng làm và mỗi người dân cần phải ý thức được rằng đi lễ chùa là một nét văn hoá đẹp nhưng nó sẽ đẹp hơn khi chúng ta ý thức được hành vi của mình. Đổi tiền lẻ đi lễ chùa vừa mất phí vừa làm vất vả nhà chùa khi phải đếm tiền và đổi tiền,” ông Phạm Văn Phúc nói.

Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm.

Căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000đ trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông đang bảo quản trong kho, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển các chi nhánh tỉnh, thành phố để chi ra lưu thông.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm về việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000đ trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tăng cuờng công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm, hợp lý.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đồng thời giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan báo đài tại địa phuơng trong công tác tuyên truyền người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép gây ảnh hưởng xấu đến tình hình lưu thông tiền tệ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục