Dời thời gian tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước tới đầu tháng 12

Ban tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã đề nghị cho dời thời gian tổ chức đại hội vào đầu tháng 12/2015.
Dời thời gian tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước tới đầu tháng 12 ảnh 1Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban tổ chức đại hội, Nguyễn Thị Doan phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 2/10, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội và triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã lựa chọn 3 đơn vị chỉ đạo điểm đại hội thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố, gồm: Bộ Công an, tỉnh Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến ngày 5/8, các đơn vị chỉ đạo điểm đã hoàn thành việc tổ chức đại hội thi đua. Sau đại hội ở mỗi đơn vị, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đều tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung trong toàn quốc.

Đến nay, đã có 60/76 bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xong đại hội thi đua. Tại các địa phương, Đại hội được tổ chức từ cơ sở, tạo không khí thi đua sôi nổi trước khi tiến hành đại hội Đảng các cấp. Đại hội thi đua cấp tỉnh, thành phố đã có nhiều đổi mới, nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.

Đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đại hội thi đua được tổ chức gắn với kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, các điển hình tiên tiến được lựa chọn từ cơ sở, có thành tích xuất sắc, thực sự tiêu biểu cho ngành, lĩnh vực. Nhìn chung, đại hội thi đua yêu nước các cấp đã đảm bảo đúng kế hoạch, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, Đại hội đã lựa chọn, biểu dương, tôn vinh những điển hình, nhân tố mới, những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Công tác tuyên truyền được tổ chức sâu, rộng, tạo khí thế thi đua trong các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho rằng một số bộ, ban, ngành, đoàn thể do tổ chức Đại hội thi đua gắn với kỷ niệm ngày truyền thống nên thời gian dành cho nội dung thi đua còn hạn chế, phần đánh giá tổng kết công tác thi đua, khen thưởng chưa thể hiện được toàn diện kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm qua; lựa chọn điển hình tiên tiến có đơn vị chưa thật sự tiêu biểu.

Việc tôn vinh, khen thưởng chưa được bố trí khoa học và đảm bảo các quy định theo Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ. Đại hội thi đua cấp sơ sở và trên cơ sở ở một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức, còn hình thức. Đại hội cấp tỉnh một số đơn vị bố trí thời gian chưa hợp lý, chưa có nhiều điển hình tiên tiến được báo cáo, giao lưu tại đại hội.

Tại Hội nghị, các Tiểu ban Tuyên truyền, Hậu cần–An ninh, Nội dung cho biết đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong triển khai nhiệm vụ, lên các phương án, kế hoạch chi tiết về chương trình của Đại hội, cũng như các công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ trước và trong đại hội.

Dự kiến Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra trong 2 ngày, trước thềm đại hội sẽ tổ chức đêm văn nghệ “Hiến dâng cho Tổ quốc” do Trung ương Đoàn thực hiện. Ngày đầu tiên là phiên trù bị và tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và giao lưu điển hình tiên tiến. Ngày thứ hai Đại hội khai mạc, tiến hành tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020; phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 và phần tham luận của các điển hình tiên tiến.

Các đại biểu đồng tình với cơ cấu đại biểu đại diện cho từng lĩnh vực dự kiến tham luận, giao lưu tại Đại hội; cho rằng nên bổ sung thêm đại biểu là thành phần tôn giáo với ý nghĩa xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; cho ý kiến về quà tặng, an ninh, báo chí...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan yêu cầu các Tiểu ban lên khung kế hoạch, kịch bản cụ thể, rõ ràng. Tiểu ban Nội dung tập trung hoàn thiện dự thảo báo cáo chính của Đại hội, các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kịch bản điều hành của Đoàn Chủ tịch Đại hội; những vướng mắc phát sinh cần được báo cáo kịp thời để tháo gỡ. Tiểu ban Hậu cần và An ninh chuẩn bị các điều kiện và tổ chức tốt các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ công tác tổ chức đại hội, tiết kiệm tối đa chi phí; in ấn các loại thẻ, phù hiệu đảm bảo phân biệt dễ, chất lượng tốt.

Phó Chủ tịch nước thống nhất chọn mẫu tượng Bác Hồ là mẫu đã được Quốc hội chọn làm quà tặng cho khách quốc tế để tặng các đại biểu dự Đại hội.

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Tiểu ban Tuyên truyền tăng cường công tác tuyên truyền về Đại hội, các gương điển hình tiên tiến; khẩn trương triển khai các chương trình triển lãm, phim liên quan đến gương điển hình, các phim phóng sự. Chương trình văn nghệ của Đại hội cần gọn nhẹ, không huy động quá nhiều nghệ sỹ, không rườm rà, bài hát tập trung vào các bài thi đua và bài hát cách mạng.

Phó Chủ tịch nước nêu rõ các báo cáo điển hình tại Đại hội phải ngắn gọn, súc tích, nói lên việc làm được, sáng kiến, sáng tạo. Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương cần làm việc với các bộ, ngành, tổ chức liên quan trong việc lựa chọn các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu để giao lưu và tham luận tại Đại hội. Thời gian tổ chức Đại hội, Ban Tổ chức đề nghị cho dời thời gian tổ chức vào đầu tháng 12/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục