Đối thoại với Mỹ về vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ ưu tiên của Nga

Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov cho rằng nhiệm vụ cấp bách đối với Moskva trong quan hệ với Washington là không để sụp đổ cơ chế Nga-Mỹ về kiểm soát vũ khí.
Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov. (Nguồn: 2bs.me)

Ngày 17/1, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov cho rằng nhiệm vụ cấp bách đối với Moskva trong quan hệ với Washington là không để sụp đổ cơ chế Nga-Mỹ về kiểm soát vũ khí, trong đó có Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) và Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF).

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Kortunov nêu rõ đối với Moskva, nhiệm vụ cấp bách là không để sụp đổ cơ chế Nga-Mỹ về kiểm soát vũ khí. Hiện điều quan trọng nhất là không để INF sụp đổ hoàn toàn, đồng thời đạt được thỏa thuận gia hạn START-3. Tất nhiên, hợp tác giữa Nga và Mỹ về những vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân cần ngăn chặn khả năng thỏa thuận hạt nhân với Iran bị phá hủy và nếu có thể, làm giảm căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Kortunov nhấn mạnh rằng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump “bộ quy tắc quan hệ Moskva và Washington đã bị phá vỡ.”

[Nga không hành động 'ăn miếng trả miếng' trong quan hệ với Mỹ]

Theo ông Kornutov, trước đây, quan hệ Nga-Mỹ xấu đi, nhưng khi thay đổi lãnh đạo thường diễn ra cuộc gặp cấp cao hai nước, và đôi khi, những nỗ lực này góp phần cải thiện quan hệ song phương, nhưng hiện nay không có những động thái tương tự. Điều này một phần do cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga-Mỹ xảy ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ sâu sắc, chưa từng có tiền lệ trong vòng hàng chục năm qua ở Mỹ.

Bất chấp khó khăn chồng chất, song chuyên gia Kortunov bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ giữa Moskva và Washington có thể cải thiện được. Nga không thể coi thường Mỹ, bởi vì không có sự tham gia của Washington thì một loạt vấn đề quốc tế khó có thể giải quyết, thế nhưng Moskva cũng không thể đơn phương nhượng bộ.

Do đó, các cuộc gặp trong khuôn khổ các tổ chức đa phương, ví dụ như Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là cơ hội để lãnh đạo hai nước thảo luận các giải pháp nhằm cải thiện quan hệ song phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục