Đối thoại với các doanh nghiệp nông nghiệp phía Bắc

Diễn đàn Doanh nghiệp nông nghiệp khu vực phía Bắc đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Diễn đàn Doanh nghiệp nông nghiệp khu vực phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 27/3, tại Hà Nội, đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh xoay quanh những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt, những bất cập trong cơ chế điều hành quản lý, một số chính sách chưa đi vào cuộc sống khiến doanh nghiệp “khát vốn” hoặc chịu lãi suất cao.

Theo ông Phạm Ngọc Thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, vụ mía đường năm nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và đang có nguy cơ 1/3 doanh nghiệp bị thua lỗ. Lượng đường tồn tại các nhà máy nhiều, tiêu thụ khó khăn, trong khi dù đã công bố hạ lãi suất đầu vào nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn để thu mua tạm trữ 200.000 tấn đường. Do vậy phải hạ giá đường cũng như giá thu mua mía của người dân.

Ông Phạm Ngọc Thao cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cần phối hợp để có cơ chế hợp lý, điều hành xuất nhập khẩu linh hoạt; đồng thời các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong xử lý tình trạng nhập lậu đường qua biên giới Tây Nam.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải sớm đổi mới các mô hình đã không còn phù hợp như mô hình doanh nghiệp nông nghiệp, công ty trực thuộc các Viện.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, hiện các Trung tâm Giống cây trồng tại nhiều địa phương hoạt động không hiệu quả, cần sớm chuyển đổi thành công ty cổ phần hóa.

Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa lạc hậu về công nghệ, nhân sự cấp cao yếu về quản lý và tiếp thị sản phẩm nên Nhà nước cũng cần hỗ trợ chính sách về đào tạo quản trị cấp cao; đồng thời có cơ chế kiểm soát các doanh nghiệp cung ứng giống trong nước, tránh tình trạng tràn lan như hiện nay, gây thiệt hại cho nông dân.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Xuân Hoàn, Phó Trưởng ban Ban đổi mới doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nêu ra những mặt còn yếu kém của các doanh nghiệp nông nghiệp. Đó là khả năng tiếp cận thông tin thị trường còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn vay cũng còn do năng lực tài chính yếu, chưa đủ điều kiện thế chấp đối với khoản vốn xin vay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2009 cả nước có hơn 8.740 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ chiếm hơn 3,5% tổng số doanh nghiệp của các ngành kinh tế cả nước. Trên 90% số doanh nghiệp nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng, trang thiết bị và công nghệ sản xuất lạc hậu...

Ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, nhưng đồng thời cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần năng động, linh hoạt hơn trong tìm nguồn vốn kinh doanh, bởi “khó tiếp cận vốn là chuyện muôn thuở."

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa ra một số nhóm giải pháp trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc ngành nông nghiệp như trợ giúp thông cho doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình dự án.

Bộ cũng kiện toàn hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; xúc tiến mở rộng thị trường thông qua nguồn kinh phí hàng năm của các bộ, ngành và địa phương./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục