Đối thoại Shangri-la không chỉ thảo luận vấn đề Triều Tiên

Khi các quan chức quốc phòng cấp cao trên thế giới; trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tới Singapore tuần này để dự Đối thoại Shangri-la bàn về chủ đề cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin, khi các quan chức quốc phòng cấp cao từ khắp nơi trên thế giới; trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, tới Singapore trong tuần này để tham dự Đối thoại an ninh thường niên Shangri-la, sẽ có nhiều vấn đề quan trọng khác trong khu vực được bàn luận bên cạnh chủ đề liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp diễn ra.

Các đại biểu tham dự cho biết, Đối thoại thường niên Shangri-la sẽ là cơ hội để ông Mattis và các quan chức khu vực khác nhìn nhận xa hơn vấn đề Triều Tiên cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết khác, đặc biệt động thái gần đây của Trung Quốc khi nước này củng cố các tuyên bố chủ quyền ở nhiều khu vực trên Biển Đông.

Ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Singapore), viện tổ chức đối thoại Shangri-la, cho rằng: “Sẽ không bất ngờ nếu Triều Tiên nổi lên là chủ đề quan trọng nhất tại Đối thoại Shangri-la. Tuy nhiên vấn đề này sẽ không làm lu mờ các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khác trong khu vực.”

Theo ông Huxley, một trong số đó là việc Trung Quốc gia tăng hoạt động bành trướng ở Biển Đông và Mỹ sẽ đóng vai trò thế nào ở châu Á.

Ông chia sẻ: “Có một câu hỏi lớn về vai trò của Mỹ trong bối cảnh nước này áp dụng chính sách nước Mỹ trước tiên.”

Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng: “Bộ trưởng Quốc phòng Mattis có khả năng đề cập qua loa vấn đề Triều Tiên bởi trọng tâm của ông ấy nằm ở chiến lược rộng hơn của Mỹ và các vấn đề an ninh khu vực.”

[Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore]

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét, ông Mattis cần chứng tỏ Mỹ có thể giải quyết không chỉ vấn đề Triều Tiên.

Theo ông Poling, Mỹ cần chứng tỏ nước này “có khả năng tập trung vào các thách thức khác, trong đó có vấn đề Biển Đông và mối đe dọa từ sức ép kinh tế thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường và tất cả các cuộc khủng hoảng diễn biến chậm chạp hiện nay, mặc dù Triều Tiên là mối quan ngại cấp thiết.”

Quân đội Mỹ đã coi Trung Quốc và Nga là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng mới và sẽ đặt ra ưu tiên cho Lầu Năm Góc trong những năm tới.

Một câu hỏi hóc búa được đặt ra là làm cách nào Washington vừa thành công trong việc lôi kéo Bắc Kinh hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, lại vừa kiềm chế cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như vấn đề liên quan tới Đài Loan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục