Đối thoại Shangri-La: Cần những nỗ lực thực chất vì an ninh, hòa bình

Đối thoại Shangri-La là cơ hội để các bên tiếp xúc, cùng nhau chia sẻ để xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (ngoài cùng, bên phải) tham dự thảo luận sau bài phát biểu ngày 11/6. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Hàng loạt chính sách, cam kết mới của các nước đối với an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được công bố tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 - diễn đàn an ninh quốc phòng thường niên uy tín và quy mô lớn nhất của khu vực diễn ra từ ngày 10-12/6 tại Singapore.

Sau 2 năm không được tổ chức do đại dịch COVID-19, tại Đối thoại Shangri-La 2022, nhiều ý tưởng đã được đề cập, được truyền tải rõ ràng, rành mạch và không ít bài phát biểu đã nêu ra những nhận thức rất phù hợp, dù các bên vẫn thể hiện bất đồng trong một số vấn đề và cũng có những tranh cãi, chỉ trích lẫn nhau.

Điều đó có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới biến động phức tạp, cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là những yếu tố chi phối diễn đàn.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, trong lần tham dự đầu tiên của một người đứng đầu chính phủ Nhật Bản sau 8 năm, đã đưa ra Tầm nhìn Kishida vì Hòa bình với 5 trụ cột, nhấn mạnh tới việc duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên các quy tắc; thúc đẩy các nỗ lực thực tế hướng tới một "thế giới không có vũ khí hạt nhân”...

Nhà lãnh đạo Nhật Bản coi đây là những trụ cột chính để có thể hướng tới một cộng đồng quốc tế hòa bình. Bên cạnh đó, Nhật Bản khẳng định ủng hộ mạnh mẽ "Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" mà ASEAN đã đặt làm chính sách cơ bản của khối.

Lần đầu tiên tham dự Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dành nhiều thời gian cho thông điệp hợp tác vì mục đích chung, không tìm kiếm đối đầu và sẽ nỗ lực ngăn chặn xung đột.

Ông Austin cũng nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm trong đại chiến lược của Mỹ, nêu bật vai trò của việc duy trì môi trường an ninh mở, bao trùm và dựa trên luật lệ trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022 ở Singapore ngày 12/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu nhan đề “Tầm nhìn của Trung Quốc trong trật tự khu vực,” Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thể hiện quan điểm của Bắc Kinh trong hàng loạt vấn đề, từ Đài Loan, Biển Đông tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Về mối quan hệ với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đây là mối quan hệ quan trọng với hòa bình và ổn định của thế giới, song cho rằng "việc cải thiện mối quan hệ này phụ thuộc vào thái độ của Washington."

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự các phiên thảo luận.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã có bài phát biểu với chủ đề “Tăng cường khả năng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc,” trong đó nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng khẳng định chủ trương của Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược; mở rộng hợp tác quốc phòng để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Đại biểu các nước cũng đề cập tới những vấn đề an ninh khu vực tại Đối thoại Shangri-La 2022.

Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu bật quan điểm nhất quán của Việt Nam kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.

Các bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản, Mỹ và Australia đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung 2022, trong đó phản đối các hành vi “đi ngược với luật pháp quốc tế” tại Biển Đông, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong UNCLOS năm 1982, cũng như "những nỗ lực đơn phương nào nhằm làm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới hiện trạng Biển Đông thông qua việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp và các hành động cưỡng ép hoặc dọa dẫm."

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong UNCLOS đối với các tranh chấp, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không cùng các hoạt động hợp pháp khác trên vùng biển này.

[Australia, Mỹ, Nhật phản đối hành động vi phạm luật pháp ở Biển Đông]

Bên cạnh các bài phát biểu, một loạt cuộc tiếp xúc bên lề cũng gây chú ý, đặc biệt là cuộc hội đàm trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, trong đó hai bên đề cập một loạt vấn đề "nóng" là nguyên nhân gây căng thẳng quan hệ hai nước thời gian qua.

Các thông tin phát đi sau cuộc hội đàm cho thấy hai bên đều bày tỏ quan điểm cứng rắn trong các vấn đề được thảo luận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đánh giá cuộc hội đàm "diễn ra suôn sẻ." Ông cũng đề cập việc "quân đội của Trung Quốc và Mỹ cần tránh xung đột và đối đầu."

Trong khi đó, Lầu Năm Góc ra tuyên bố cho biết, hai bộ trưởng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc xử lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và duy trì đường dây liên lạc mở.

Đề cập tới cuộc tiếp xúc giữa hai bộ trưởng tại diễn đàn, Tiến sỹ Yun Sun, nghiên cứu viên cao cấp về Đông Á và Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho rằng quan hệ Mỹ-Trung khó có thể được cải thiện trong ngắn hạn và cũng chưa có sự thay đổi về chiến lược, song có thể trông đợi “những sự giao tiếp nhằm quản lý khủng hoảng.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022 ở Singapore, ngày 11/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chia sẻ quan điểm trên, Giáo sư Chong Ja Ian, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng để cải thiện quan hệ, hai bên sẽ phải thừa nhận sự cần thiết “có một số điều chỉnh” nhất định.

Theo chuyên gia Chong Ja Ian, nếu xem xét tình hình nội bộ tại Mỹ và những tuyên bố mạnh mẽ từ Bắc Kinh, thì "có rất ít mong muốn chính trị để làm điều đó trong thời điểm này.”

Mặc dù vậy, xét trên quan điểm rằng các diễn đàn quốc tế như Đối thoại Shangri-La luôn là cơ hội để các bên tiếp xúc, cùng nhau chia sẻ, trao đổi để có thể xây dựng lòng tin, thì cuộc hội đàm trực tiếp giữa lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò quan trọng.

Đánh giá về Đối thoại Shangri-La 2022, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS Yusof Ishak) nhận định một thách thức chính và quan trọng nhất đặt ra ở đây là sau các phiên thảo luận, các bài phát biểu, các cuộc trao đổi ý kiến như vậy thì vấn đề thực hiện các ý tưởng, sáng kiến ấy sẽ diễn ra như nào.

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho rằng trong một thế giới mà các quốc gia càng ngày càng quan tâm thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình và dường như càng ngày càng hạ thấp vai trò của tổ chức quốc tế, thể chế quốc tế, thì việc đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết các vấn đề chung ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Thêm nữa, khi các căng thẳng, xung đột bùng phát, không gian để các quốc gia có thể hợp tác với nhau ngày càng bị thu hẹp.

Bởi vậy, để Đối thoại Shangri-La thực sự mang lại những kết quả tích cực cho an ninh, hòa bình khu vực và thế giới, đúng như lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen: “Cộng đồng quốc tế cần phải có những nỗ lực thực chất trên thực tế.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục