Đối thoại Shangri-La bàn về thách thức lớn nhất với an ninh khu vực

Nhiều chuyên gia cho rằng an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.
Đối thoại Shangri-La bàn về thách thức lớn nhất với an ninh khu vực ảnh 1Khách sạn Shangri-La - nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La. (Nguồn: Scmp.com)

Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (SLD 15) chính thức khai mạc vào ngày 3/6 tại Singapore.

Đây là diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của khu vực, quy tụ hơn 20 Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới.

Nhận định về đối thoại lần này, nhiều chuyên gia cho rằng an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.

Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, từ đầu năm tới nay, tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục diễn biến phức tạp với những điểm nóng tiềm tàng, mà rõ ràng nhất là khu vực Biển Đông với các hành động của các bên tranh chấp, cụ thể là Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa và có những động thái quân sự hóa ở quy mô gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực.

Điều này tiềm ẩn những lo ngại có thể dẫn tới những va chạm, xung đột quân sự ở trên khu vực Biển Đông.

Đây là mối đe dọa lớn nhất và gây quan ngại lớn nhất, do khu vực Biển Đông có vai trò trọng yếu không chỉ đối với hòa bình và an ninh khu vực mà còn trên toàn thế giới, cũng như đối với nền kinh tế của toàn khu vực vì các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông là các tuyến đường giao thương huyết mạch.

Ngoài ra, tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây có những diễn biến đáng quan ngại, đặc biệt là việc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm nổ đầu đạn hạt nhân và phóng các tên lửa tầm xa, đó cũng là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh khu vực.

Bên cạnh đó còn có các vấn đề khác gây quan ngại cho cộng đồng các quốc gia trong khu vực, như vấn đề người di cư, khủng bố, biến đổi khí hậu…

Chính những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống này có thể có tác động qua lại và gây ra những cuộc khủng hoảng ở các cấp độ khác nhau đối với an ninh khu vực.

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh rằng trong bối cảnh như vậy, các quốc gia sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.

Làm sao hóa giải được những vấn đề an ninh này, thách thức lớn nhất đó là sự suy giảm về lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định: "Khi lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm thì khả năng hợp tác, hóa giải các xung đột sẽ gặp nhiều cản trở, khó khăn. Một khi không có lòng tin thì sẽ không có thiện chí để cùng theo đuổi các mục đích chung."

Chia sẻ quan điểm này, tiến sỹ William Choong, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS)-đơn vị tổ chức SLD, cho rằng một điều dễ nhận thấy ở cấp độ vĩ mô là vẫn đang tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Điều này đã tác động đến các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực, đặc biệt là việc hai cường quốc này đều theo đuổi những tầm nhìn chiến lược của riêng mình đối với nền an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tiến sỹ William Choong cho rằng Đối thoại Shangri-La lần này sẽ là cơ hội tốt để Bộ trưởng Quốc phòng các nước có cơ hội nêu quan điểm của từng nước về vấn đề an ninh trong khu vực.

Ví dụ như việc Mỹ sẽ nhấn mạnh về các hoạt động hợp tác với các nước đồng minh để đảm bảo an ninh hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương.

Mặt khác, trong bối cảnh an ninh hàng hải của khu vực đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, các nước liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Malaysia có thể cùng thảo luận các biện pháp để củng cố an ninh hàng hải tại khu vực này và đề cập đến các vấn đề các bên quan ngại như việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục