Đối thoại Perwira 2020: Malaysia công bố Sách Trắng Quốc phòng

Văn bản này nhấn mạnh phương châm chia sẻ thịnh vượng chung của khu vực và các nước láng giềng, phù hợp với các nguyên tắc của Khu vực Hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN).
Tổng Tư lệnh Quân đội Malaysia, tướng Haji Affendi Buang phát biểu tại Đối thoại. (Ảnh: Mạnh Tuân/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 24/2, Viện Nghiên cứu quốc phòng-an ninh Malaysia (MiDAS) đã tổ chức Đối thoại Perwira 2020 với chủ đề “Sách Trắng Quốc phòng (DWP) đầu tiên của Malaysia: Ý tưởng và Vận dụng” với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước này cùng nhiều quan chức, chuyên gia nghiên cứu Malaysia và các nước trong khu vực.

Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao Việt Nam, tham dự sự kiện. 

Trong bài phát biểu tại cuộc đối thoại, Tổng Tư lệnh quân đội Malaysia, tướng Haji Affendi Buang nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước này, Malaysia công bố DWP, xây dựng định hướng chiến lược cho quốc phòng trong thời gian 10 năm tiếp theo.

Văn bản này nhấn mạnh phương châm chia sẻ thịnh vượng chung của khu vực và các nước láng giềng, phù hợp với các nguyên tắc của Khu vực Hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN).

Người đứng đầu quân đội Malaysia nhận định một trong những điểm nhấn có giá trị nhất của DWP là khẳng định Malaysia là quốc gia biển và cam kết của chính phủ nước này trong việc theo đuổi ba trụ cột của chiến lược quốc phòng, gồm răn đe tập trung, an ninh toàn diện và quan hệ đối tác tin cậy trên cơ sở quan điểm của Malaysia là một quốc gia an toàn, có chủ quyền và thịnh vượng.

Trong DWP, Malaysia cho rằng nước này cần tập trung đối phó với với các vấn đề an ninh phi truyền thống như hoạt động khủng bố, vấn nạn cướp biển và an ninh hàng hải, tội phạm mạng và an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, cũng như cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng. 

DWP nhận định các mối đe dọa khủng bố và cực đoan đang gia tăng cả về mức độ lẫn hình thức, trong đó có việc các phiến quân của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đến Đông Nam Á, củng cố mối quan hệ với những phần tử khủng bố địa phương, phát triển lực lượng và chuẩn bị cho các âm mưu khủng bố mới.

[Dự thảo Sách Trắng Quốc phòng Malaysia định hướng chiến lược 10 năm]

Bên cạnh tội phạm xuyên quốc gia, vấn nạn cướp biển và an ninh hàng hải, Bộ Quốc phòng Malaysia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh mạng khi có mối đe dọa an ninh quốc gia.

Cùng với đó, DWP cũng đề cập tới những mối đe dọa tới sự tiến bộ của công nghệ như Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).

Để đảm bảo khả năng ứng phó trước các mối đe dọa và thách thức, tướng Haji Affendi Buang nhấn mạnh quân đội Malaysia cần là lực lượng vũ trang của tương lai, đảm bảo sự hợp nhất giữa các lực lượng và giữa con người, công nghệ, phương tiện cũng như sự cơ động và phạm vi hoạt động cả hai bờ bán đảo và có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện như trên bộ, biển, không chiến hay chiến tranh mạng; yếu tố nhanh nhẹn và sự tập trung; sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Malaysia cũng như sự tham gia của mọi người dân vào quá trình đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đồng thời, theo ông, hợp tác quốc phòng an ninh song phương và khu vực đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi nước.

Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao (Việt Nam) phát biểu tại Đối thoại. (Ảnh: Mạnh Tuân/TTXVN)

Nhiều đại biểu đến từ các nước trong khu vực như Brunei, Singapore, Australia, Indonesia, Việt Nam cũng bày tỏ những đánh giá về tình hình khu vực và quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh với Malaysia.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao, cho rằng Việt Nam và Malaysia cần tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin, hợp tác đào tạo, tuần tra, huấn luyện, hợp tác song phương cũng như đa phương.

Đặc biệt, tiến sỹ Trần Việt Thái cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong đảm bảo an ninh nói riêng và trong đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển tại Đông Nam Á cũng như tại khu vực châu Á-Thái Bình dương.

Đối thoại Perwira 2020 có ý nghĩa quan trọng, giúp Bộ Quốc phòng Malaysia thu được những đánh giá hữu ích từ giới chuyên gia nghiên cứu uy tín trong khu vực mà còn là sự kiện chính thức đánh dấu quốc giá Đông Nam Á công bố Sách Trắng Quốc phòng của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục