Đối thoại "nóng" gỡ vướng mắc thuế và hải quan cho doanh nghiệp

Những vướng mắc trở thành "nút thắt" cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã được phân tích và tìm hướng giải quyết tại Hội nghị đối thoại năm 2024.

Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024, ngày 11/12. (Ảnh: Vietnam+)
Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024, ngày 11/12. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 (ngày 11/12) đã đem lại nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

Không chỉ thông tin, tuyên truyền về các chính sách mới, hội nghị cũng là dịp để Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lắng nghe, chia sẻ và giải quyết trực tiếp những vướng mắc "nóng" nhất của doanh nghiệp.

Trả lời trực tiếp các vướng mắc

Hội nghị dành thời gian cho các doanh nghiệp đặt câu hỏi và nêu kiến nghị trực tiếp với đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Tất cả các vướng mắc này đều được trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản và được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Theo đó, nhà chức trách đã ghi nhận và xử lý 88 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế và 37 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan.

Tại hội nghị, đại diện Công ty Intechco Việt Nam thắc mắc về thủ tục nhập khẩu phế liệu nhựa đã qua xử lý. Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng khẳng định doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xin giấy phép môi trường khi nhập khẩu phế liệu để sản xuất. Ông cũng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định 13/2023/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, quy chuẩn phế liệu nhựa.

Bên cạnh đó, đại diện Công ty Bông Thái Bình nêu vướng mắc về việc nhập khẩu bông rơi. Ông Lưu Mạnh Tưởng đã giải thích về hai loại bông rơi là chải thô và chải kỹ. Ông cũng cho biết Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường để giải quyết vướng mắc này. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường khẩn trương sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP để hướng dẫn cụ thể hơn.

Ngoài ra, đại diện Công ty BH Flex Vina kiến nghị về việc kê khai hai lần thuế VAT đối với doanh nghiệp FDI thuê gia công chế xuất. Theo đó, ông Vũ Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đã thông tin về công văn số 5677 hướng dẫn cụ thể về hóa đơn và xử lý hoàn trả thuế VAT đồng thời cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn tương tự cho tỉnh Bắc Ninh.

vnp_4.jpg
Không chỉ thông tin, tuyên truyền về các chính sách mới, hội nghị còn là dịp để Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lắng nghe, chia sẻ và giải quyết trực tiếp những vướng mắc "nóng" nhất của doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Cũng về lĩnh vực thuế, đại diện Công ty cổ phần Môi trường Kỹ thuật Sơn đặt câu hỏi về miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm tái chế và thủ tục hoàn thuế VAT đối với hợp đồng ủy thác kinh doanh. Theo đó, đại diễn của Cơ quan Hải quan đã giải đáp về chính sách miễn thuế xuất khẩu theo Luật Thuế xuất nhập khẩu và Nghị định 134 đồng thời cho biết Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường khẩn trương sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP để hướng dẫn cụ thể hơn.

Nêu ra những điểm mới, bà Ninh Thị Chung, Kế toán trưởng Công ty Khang Long (tỉnh Vĩnh Phúc) hỏi về việc xác định loại hình hoạt động mua bán chứng chỉ năng lượng tái tạo I-RECs để tính thuế. Ông Vũ Mạnh Cường cho biết đã nhận được công văn hỏi từ Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc và đang xin ý kiến các đơn vị trong Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể. Và, Tổng cục Thuế cũng đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư để xin ý kiến về việc xác định hoạt động này.

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Cao Anh Tuấn, qua hội nghị, Bộ Tài chính đã nắm bắt được những tâm tư, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, thủ tục thuế, hải quan của doanh nghiệp, từ đó có phương án xử lý một cách kịp thời, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiếp nối truyền thống đồng hành, hỗ trợ từ những năm trước.

Cụ thể, Bộ đã nghiên cứu, đề xuất và ban hành các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Một số chính sách nổi bật, bao gồm: Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; Giảm phí, lệ phí; Gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất...

Theo ông Tuấn, tổng quy mô hỗ trợ của các giải pháp này lên tới khoảng 191 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng và số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng.

"Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Điều này đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh,” Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định.

Đến nay, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành Tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai trên toàn quốc với tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng khai thuế qua mạng đạt 99,93%. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 98,57%, trong khi tỷ lệ nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) điện tử đạt 97%. Trong lĩnh vực hải quan, trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS). Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành, với gần 7,6 triệu bộ hồ sơ của hơn 75 nghìn doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ Hội nghị đối thoại trong năm 2023, VCCI đã tập hợp ý kiến cùng với Bộ Tài chính giải quyết trên 450 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, bao gồm cả các vướng mắc mang tính cá biệt và các vướng mắc phát sinh trong các văn bản luật. Những thông tin này đã giúp các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp. Đặc biệt, một số vướng mắc, khó khăn kéo dài cũng đã và đang được VCCI trao đổi với các cục thuế, hải quan liên quan xem xét giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công cho hay năm 2024 ghi nhận quá trình phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ của nền kinh tế với mức tăng trưởng kinh tế cả năm có thể vượt mốc mục tiêu 7%. Theo ông, nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2025, như việc thông qua một loạt các luật quan trọng cùng tư duy bứt phá, tháo gỡ khó khăn và khơi thông điểm nghẽn của nền kinh tế, các nguồn lực ách tắc sẽ được giải tỏa và tạo đà tăng trưởng. Trên cơ sở đó, Việt Nam kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2025 như Nghị quyết của Quốc hội, thậm chí có thể đạt 2 con số trong thời gian tới, sẵn sàng cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội nghị khép lại với cam kết của Bộ Tài chính tiếp tục cải cách, hoàn thiện chính sách thuế-hải quan theo hướng minh bạch, cụ thể, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, nhấn mạnh: "Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp."

Bên cạnh, Lãnh đạo của VCCI khẳng định sẽ tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục