Đối thoại Nhân quyền Australia-Việt Nam thường niên diễn ra hiệu quả

Việt Nam và Australia tái khẳng định cam kết hợp tác cùng nhau để đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ nhân quyền theo quy định của pháp luật trong nước; xem xét các lĩnh vực hợp tác đa phương, khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa hai bên. Ảnh minh họa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ Ngoại giao Australia ngày 13/1 ra thông cáo cho biết Việt Nam và Australia đã tổ chức Đối thoại Nhân quyền thường niên lần thứ 17 vào ngày 8/12/2021 dưới hình thức trực tuyến.

Cuộc thảo luận đã diễn ra một cách hiệu quả, thẳng thắn và đề cập đến nhiều vấn đề.

Bà Natasha Smith - Trợ lý Thư ký thứ nhất Ban Chính sách Đa phương, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia - và ông Đỗ Hùng Việt - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam - đồng chủ trì cuộc họp.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Australia cho biết tại cuộc đối thoại, Việt Nam và Australia đều thừa nhận tác động to lớn của đại dịch COVID-19 đối với người dân và xã hội hai nước.

Australia ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch và đã giúp đỡ Việt Nam triển khai vaccine.

Trong khi đó, Việt Nam thông báo về các nỗ lực phục hồi bao trùm sau đại dịch, không để lại ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có các nhóm dễ bị tổn thương.

Việt Nam và Australia đã cập nhật về các hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mỗi nước.

Hai bên thảo luận về các phương pháp tiếp cận nhân quyền, cập nhật về pháp quyền và các chính sách cải cách pháp luật để bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, người Australia bản địa và các dân tộc thiểu số Việt Nam, cộng đồng LGBTI (người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính) và người khuyết tật.

[Việt Nam-Australia tăng cường hợp tác theo các hình thức linh hoạt]

Việt Nam nêu bật những tiến bộ trong cải cách luật pháp, bao gồm việc thông qua các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người, thực hiện các công cụ nhân quyền quốc tế đã được phê chuẩn, và thông báo về các kế hoạch nghiên cứu phê chuẩn các công cụ nhân quyền quốc tế bổ sung.

Đại diện Việt Nam và Australia đã thảo luận về những nỗ lực và kết quả đạt được kể từ Đối thoại lần trước trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, bao gồm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như các quyền dân sự và chính trị.

Cả hai bên đều ghi nhận vai trò quan trọng của giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác trong việc đóng góp tích cực cho mỗi xã hội.

Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng quyền của cá nhân và cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cũng như lưu ý tới sự gia tăng của các thông tin sai lệch trực tuyến và các mối đe dọa an ninh mạng.

Australia khẳng định yếu tố chủ chốt trong cách ứng phó bảo vệ sức khỏe cộng đồng của nước này là đề cao luật pháp bảo vệ và thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền của mình.

Việt Nam và Australia tái khẳng định cam kết hợp tác cùng nhau để đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ nhân quyền theo quy định của pháp luật trong nước, cũng như xem xét các lĩnh vực hợp tác đa phương và khu vực.

Australia hoan nghênh Việt Nam đã hoàn thành thành công vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Australia cho biết Đánh giá định kỳ chung chu kỳ thứ ba (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền của nước này đã được thực hiện trong năm 2021. Việt Nam nêu bật tiến độ thực hiện các khuyến nghị UPR của mình, bao gồm báo cáo tự nguyện giữa kỳ, và hoan nghênh sự đóng góp của Australia vào quá trình này.

Hai bên đã thảo luận về việc hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Australia tài trợ, bao gồm hỗ trợ từ Ủy ban Nhân quyền Australia để tích hợp nhân quyền vào tất cả các cấp giáo dục công và thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.

Australia và Việt Nam mong muốn tổ chức Đối thoại Nhân quyền lần thứ 18 trực tiếp tại Hà Nội trong năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục