Đối thoại là nguyên tắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần coi trọng đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là khiếu nại về đất đai, các bên sẽ hiểu rõ thái độ, sự thiện chí của nhau rồi tìm ra phương án giải quyết.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật làm căn cứ pháp lý để giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ rõ số lượng đơn thư vẫn gia tăng, có địa phương tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

[Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo]

Quan tâm đến chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ sở, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chỉ rõ một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức đặc biệt là cấp huyện, cấp xã chưa làm đúng trách nhiệm, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc. Thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên xảy ra khiếu kiện vượt cấp. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần báo cáo sâu thêm về tình trạng này.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, nếu vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật, có tình có lý ngay từ cơ sở thì người dân sẽ đồng tình chấp thuận. Ngược lại, vụ việc sẽ trở nên phức tạp và vượt cấp.

Phân tích trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý như hiện này, nhiều chính sách sẽ “động chạm” đến lợi ích của người dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh. Quá trình chuyển đổi kinh tế, đô thị hóa dẫn tới thu hồi đất sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích và sinh kế của người dân. Cùng với đó là sự suy thoái của một số cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đây là nguyên nhân dẫn đến đến nhiều khiếu kiện của người dân.

Từ thực tế này, đại biểu Tô Văn Tám kiến nghị cần coi trọng đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là khiếu nại về đất đai. Người dân thiếu thông tin hoặc không cập nhật kịp thời thông tin; ngoài ra, trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội như hiện nay, thông tin có nhiều sai lệch.

Qua đối thoại, các bên sẽ hiểu rõ thái độ, sự thiện chí của nhau rồi tìm ra phương án giải quyết khả thi. “Đối thoại phải được coi như nguyên tắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc đối thoại phải được thực hiện nghiêm túc, cầu thị chứ không phải chiếu lệ, làm cho xong,” đại biểu nhấn mạnh và đề nghị hoàn thiện cơ chế pháp lý để các tổ chức đoàn thể xã hội, luật sư, hòa giải viên tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân, tránh tình trạng người dân bị lôi kéo, dụ dỗ hay xúi giục.

Đề cập đến tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, nhiều đại biểu đề nghị phân tích rõ nguyên nhân của vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng có vụ việc chậm do chính các địa phương đã giải quyết thấu tình đạt lý, đầy đủ, sát với thực tiễn nhưng người dân vẫn có tâm lý muốn chuyển đơn đến các cơ quan Trung ương. Tình hình chuyển đơn lòng vòng, rất phức tạp...

Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật, nếu cơ quan hành chính đã giải quyết mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ thi hành án hành chính thấp và người thi hành án là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Việc này làm ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thủ tục tư pháp, chuyển gánh nặng cho cơ quan hành chính nhà nước. Đại biểu cho rằng cần có chế tài, đảm bảo cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm bản án hành chính.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu), tâm lý người đi khiếu kiện là mong muốn được gặp người đứng đầu, người có thẩm quyền để họ trình bày sự việc. Tuy nhiên, tình trạng khá phổ biến hiện nay là lãnh đạo ủy quyền cho cấp phó hoặc thanh tra.

Đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ quy định chặt chẽ hơn việc tiếp công dân, tập huấn thường xuyên về cách thức, kỹ năng xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài. Việc tập huấn cũng phải thực chất, không chỉ dựa trên các văn bản hướng dẫn mà phải “cầm tay, chỉ việc,” nhất là những nơi làm tốt thì nên chia sẻ kinh nghiệm với những nơi làm chưa tốt.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng thực tế cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, vẫn còn tồn đọng nhiều vụ việc đông người tụ tập kéo dài, chậm được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm. Gần đây, có tình trạng công dân tập trung dài ngày ở các cơ quan Trung ương, đến khu vực nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để khiếu kiện, gây mất trật tự công cộng, có hành vi chống người thi hành công vụ. Theo Báo cáo của Chính phủ, có đến 72 vụ việc đông người đến tụ tập ở cơ quan tiếp công dân Trung ương để khiếu nại, tố cáo, chủ yếu là các vụ việc liên quan đến đất đai...

Để công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường đối thoại, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người dân nhằm giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; chấn chỉnh đội ngũ công chức hoạt động hiệu quả, có trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo...

“Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong quy hoạch đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, xử lý nghiêm những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, đúng pháp luật, bảo đảm người bị thu hồi đất có đời sống ổn định bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân...,” đại biểu Trần Văn Mão kiến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục