Đối thoại kinh tế Việt-Nhật: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước

Đối thoại diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang là nước đầu tư lớn thứ nhất vào Việt Nam với số vốn 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Đối thoại kinh tế Việt-Nhật: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước ảnh 1Đối thoại kinh tế Việt Nam-Nhật Bản năm 2017. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 12/3, hội thảo "Đối thoại kinh tế Việt Nam-Nhật Bản" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản-Mekong (JCCI) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của phái đoàn gồm 50 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, sản xuất máy móc, linh kiện, ôtô, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, hàng không, thực phẩm, đồ điện gia dụng và tư vấn...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển trong những năm qua. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.

Trong năm 2017, Nhật Bản là nước đầu tư lớn thứ nhất vào Việt Nam với số vốn 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng giá trị kim ngạch thương mại 2 chiều đạt hơn 33,4 tỷ USD.

Việt Nam cũng là nước được nhận viện trợ không hoàn lại nhiều nhất từ phía Nhật Bản. Hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản là sự hợp tác mẫu mực và hiệu quả.

Ông Phòng cũng khẳng định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết mới đây giữa 11 quốc gia thành viên cũng là sự thành công nhờ những nỗ lực của các Việt Nam và Nhật Bản và là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa 2 quốc gia, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của thương mại toàn cầu.

[Mong muốn Nhật Bản duy trì vị trí nước đầu tư số 1 tại Việt Nam]

Không chỉ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và đầu tư giữa 2 nước, CPTPP còn giúp Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu trong một số ngành như dệt may, gia dày, thủy hải sản...

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc đa dạng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng chế tạo xuất khẩu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng sản phẩm chế tạo có giá tri cao hơn...

Ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản-Mekong, cho biết buổi đối thoại này sẽ là cơ hội rất tốt để lãnh đạo doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về tình hình, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước.

Các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác hợp tác trong tương lai. Điều đó vô cùng hữu ích bởi các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam; trong đó, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chính sách đầu tư, phương thức nhượng quyền thương mại...

Có thể nói lĩnh vực sản xuất là điển hình cho hợp tác thành công Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua với nhiều tên tuổi lớn đã xuất hiện như: Toyota; Honda; Canon; Panasonic...

Thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản sẽ có nhiều tiềm năng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mới như: nông nghiệp, du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vận tải, phân phối...

Đặc biệt, nhất là khi Việt Nam cần tăng cường và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh mẽ hơn nữa, ông Phòng nhấn mạnh.

Tại hội thảo "Đối thoại kinh tế Việt Nam-Nhật Bản," doanh nghiệp giữa 2 nước đã có những trao đổi, thảo luận xung quanh các nội dung như môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; các cơ chế, chính sách hiện hành về tín dụng, đất đai... có những thuận lợi, vướng mắc gì đối với các nhà đầu tư nước ngoài; đâu là ưu thế và tiềm năng phát triển của một số lĩnh vực như du lịch, giao thông vận tải...

Nhiều doanh nghiệp như đại diện Tập đoàn Phú Thái, Công ty Du lịch lữ hành Vietravel... đều bày tỏ kỳ vọng sẽ kết nối được các đối tác tiềm năng từ phía Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục