Đối thoại ASEAN-Nhật Bản lần thứ 7 tại Philippines

Tổng Thư ký ASEAN khẳng định quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản đóng góp tích cực cho việc xây dựng Cộng đồng chung ASEAN năm 2015.
Đối thoại ASEAN-Nhật Bản lần thứ 7 tại Philippines ảnh 1Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. (Nguồn: TTXVN)

Ban Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cho biết, ngày 24/6, Đối thoại giữa Tổng Thư ký ASEAN và Liên đoàn các Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Nhât Bản trong ASEAN (FJCCIA) lần thứ 7 đã diễn ra tại thành phố Makati, Philippines.

Từ cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) năm 2008, các cuộc đối thoại hàng năm Tổng Thư ký ASEAN-FJCCIA đã trở thành một diễn đàn để hai bên trao đổi thẳng thắn, đưa ra các sáng kiến tăng cường hợp tác và các khuyến nghị cho việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự tiến bộ của AEC.

Trong bài phát biểu của mình, đề cập đến việc hai bên vừa kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của mối quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Nhật Bản cho nỗ lực xây dựng Cộng đồng chung của ASEAN vào năm 2015 và cho sự hợp tác kinh tế chặt chẽ ASEAN-Nhật Bản, một sự hợp tác đem lại lợi ích và thịnh vượng cho cả hai bên.

Ông Lê Lương Minh kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản và ASEAN tăng cường hội nhập, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ASEAN vào các mạng lưới cung ứng của Nhật Bản.

Tại cuộc đối thoại năm nay, Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện Chương trình “ASEAN một cửa” và "Hệ thống chứng nhận ASEAN”, hoan nghênh việc bãi bỏ thông báo giá FOB trong chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA), các Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cũng bày tỏ quan tâm đối với việc thực hiện nhất quán tự do hóa dịch vụ giữa các ngành và các thủ tục cải thiện sự chuyển dịch nguồn nhân lực, bao gồm cả yêu cầu về Thẻ Kinh doanh du lịch ASEAN.

Ngoài ra, hai bên còn trao đổi về các vấn đề liên quan đến cân đối tiêu chuẩn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện cung cấp năng lượng, phát triển và hỗ trợ các SME. FJCCIA cũng lưu ý tới việc giải quyết các vấn đề phát sinh do khác biệt trong quá trình thực hiện ATIGA và các FTA ASEAN +1 và khả năng giải quyết những bất đồng này thông qua các cuộc đàm phán đang diễn ra về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của ASEAN.

Theo thống kê của FJCCIA, số lượng các công ty Nhật Bản hoạt động tại các nước thành viên ASEAN đang tiếp tục tăng lên hàng năm, từ 5.647 công ty năm 2012 lên 6.092 công ty vào tháng 6/2014, chủ yếu trong các lĩnh vực ô tô và phụ tùng ôtô, thiết bị điện và điện tử, các sản phẩm hóa chất tiêu dùng và dịch vụ tài chính.

Nhật Bản hiện là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN lớn thứ hai sau EU với 22,9 tỷ USD năm 2013, và trong cùng kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 240,9 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục