Từ một xã có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn khó khăn, hạ tầng cơ sở còn yếu kém, giờ đây An Nhơn trở thành xã có thu nhập bình quân đầu người cao của huyện Thạnh Phú.
Xã đã thay đổi diện mạo ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Đây cũng là xã bãi ngang ven biển đầu tiên của tỉnh Bến Tre đạt chuẩn xã nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.
Đổi thay
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế ở An Nhơn đều có chuyển biến, thay đổi.
Các ấp đều có nhà văn hóa để sinh hoạt chung; về kinh tế đã thành lập được Hợp tác xã lúa tôm Thạnh Phú, 14 tổ hợp tác phát triển lúa sạch, cua biển, bò.
Ở An Nhơn có đến 80% hộ chăn nuôi bò, có những hộ có đất rộng, dưới ao nuôi thủy sản, trên bờ tận dụng trồng cỏ, nuôi bò.
[Bãi rác quá tải, Bến Tre nỗ lực cải tạo các bãi xử lý chất thải rắn]
Đi dọc các tuyến đường Quốc lộ 57, đường liên xã, liên ấp, phóng viên không thấy một khoảnh đất trống nào, tất cả đều được tận dụng để... “hái” ra tiền.
Trước đây, tuyến đường vào nhà bà Nguyễn Thị Thật và hầu hết người dân ở ấp An Bình đều làm lúa nhưng từ ngày mặn xâm nhập sâu, tưởng như đất lúa sẽ bị bỏ hoang thì người dân ấp này đều tận dụng trồng cỏ, phủ xanh các thửa... cho bò, cho dê ăn.
Ngồi ngoài hiên, nhìn ra thửa ruộng trồng cỏ phía trước, bà Thật kể gia đình có 17.000m2, trước đây làm vụ lúa, vụ tôm nhưng do ảnh hưởng nước mặn nên nghỉ làm lúa chuyển sang trồng cỏ và chăn nuôi đàn bò, dê, còn ao để nuôi cá, tôm, cua.
“Ngày xưa ở đây đất hoang hóa, rừng cây um tùm, ao trũng bỏ hoang. Ngày nay, ở đây không có đất hoang hóa, chỗ nào có đất là bà con đều tận dụng trồng cỏ để tăng thu nhập, ao nuôi tôm, nuôi cua, nuôi cá, trên bờ trồng cỏ. Người này làm được hiệu quả, người khác cũng làm theo. Lúc trước trồng lúa cực khổ nhưng năm được năm mất, mỗi năm chỉ khoảng 50-60 triệu đồng. Giờ chăn nuôi bò, nuôi dê thu nhập cao hơn gấp đôi," bà Thật chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nguyễn Hoàng Anh kể thêm, người dân ở đây tận dụng tối đa đất, khoảnh đất bìa cũng kiếm ra tiền từ trồng cỏ, các tuyến đường nông thôn giờ hai bên đều được trồng cỏ để chăn nuôi.
Trước đây, đời sống của người dân chủ yếu là một vụ lúa một vụ tôm và làm tự phát, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt còn hạn chế.
Như làm lúa phải cấy tay, năng suất không cao, tốn chi phí nhiều, dần dần qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giờ người dân chuyển qua sạ bằng máy, giảm bớt chi phí nhân công và sử dụng giống cao sản nên hiệu quả năng suất cao.
Nếu trước đây, mỗi vụ lúa mất nửa năm mới thu hoạch và giá bán chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg, còn ngày nay trồng lúa chỉ mất 3-4 tháng, lúa thu hoạch có thương lái bao tiêu, giá từ 7.000-8.000 đồng/kg, thậm chí làm lúa VietGAP giá 10.000 đồng/kg.
Hiện nay, do tình trạng mặn nên một số vùng không thể làm lúa mà chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao hai giai đoạn. Vì thế, diện tích lúa giảm 100ha, trong khi đó diện tích nuôi thủy sản tăng 2.400ha (chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp); trong đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao khoảng 100ha, chiếm khoảng 30% diện tích nuôi tôm thâm canh.
Tương lai sẽ nhân rộng hơn vì nuôi tôm công nghệ cao rủi ro ít, lợi nhuận cao. Do đó, người dân nuôi tôm dần chuyển sang mô hình nuôi công nghệ cao.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Nhơn Lê Trọng Quyền cho biết nuôi thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn của xã, phát triển theo hướng an toàn, chất lượng, bền vững, đúng quy hoạch theo hướng công nghệ cao.
Xã An Nhơn cũng xây dựng con tôm biển là chuỗi giá trị chủ lực, chú trọng mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm 2 giai đoạn) kết hợp phát triển và hoàn thiện chuỗi giá trị lúa-tôm.
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm được chọn là một trong tám chuỗi giá trị nông sản chủ lực của huyện Thạnh Phú.
Hợp tác xã lúa-tôm Thạnh Phú được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú” từ đó sản phẩm lúa sạch đã giúp cho người dân an tâm sản xuất.
Ngoài ra, An Nhơn được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng Cảng cá Thạnh Phú - là nơi thu mua các loại thủy sản của tàu đánh bắt phục vụ cho việc sơ chế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn.
Nghề nuôi trồng thủy sản phát triển, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực thủy sản cũng tăng nhanh, với gần 360 công ty, doanh nghiệp, có sở kinh doanh về thức ăn, thuốc, thu mua, chế biến thủy sản.
Hằng năm, đóng góp từ lĩnh vực thủy sản chiếm khoảng 80% hoạt động thu ngân sách của địa phương.
Đời sống người dân được nâng lên
Khi mới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đều khó khăn, vì xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn của huyện, trình độ dân trí thấp (người dân không đồng ý thoát nghèo vì nếu địa phương thoát xã bãi ngang ven biển thì sẽ không còn được hỗ trợ vốn, bảo hiểm y tế...), dân cư sinh sống phân tán theo đất canh tác, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, hệ thống điện chưa được phủ khắp mà nhân dân còn sử dụng điện cụm, điện mất an toàn gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân...
Cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã An Nhơn là 14,2%, thu nhập bình quân đầu người khoảng là 35 triệu đồng/người/năm.
Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở xã An Nhơn còn 2,51% (tương đương 37 hộ). Từ năm 2016-2020, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm 2%/năm, có năm giảm đến 4% và 5 năm qua xã An Nhơn không có trường hợp tái nghèo.
Hiện nay, An Nhơn là xã có thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm cao của huyện Thạnh Phú, với mức thu nhập bình quân 50,66 triệu đồng/năm/người, đời sống người dân được nâng lên.
An Nhơn phấn đấu năm 2021, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 51 triệu đồng/người/năm và hướng đến xã nông thôn mới nâng cao và ấp nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch xã An Nhơn Nguyễn Hoàng Anh, trải qua những năm thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, sau những đợt tuyên truyền, vận động, “tỉ tê, trà đá” của cán bộ địa phương với người dân, điều quan trọng nhất là nhận thức của bà con đã thay đổi tích cực, hiểu về lợi ích mà việc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đem lại.
Hộ nghèo ở địa phương rất được quan tâm từ các tổ chức, dự án. Tổng nguồn vốn địa phương được hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng của các chương trình tổ chức phi chính phủ, nguồn vốn đa dạng hóa sinh kế và nguồn vốn hỗ trợ mô hình sản xuất nuôi dê.
Đây là nguồn vốn xoay vòng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn để giúp họ có nguồn vốn xoay vòng phát triển kinh tế thoát nghèo. Tuy nhiên, có năm phải trả vốn lại cho các dự án vì bà con không thiếu vốn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Phú Đào Công Thương, thời gian qua, so với các xã khác, An Nhơn có những điểm nổi bật hơn. Kinh tế phát triển khá ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các mô hình sản xuất có hiệu quả được hình thành và nhân rộng, sản phẩm lúa sạch đã tạo thế đứng trên thị trường, giá trị con tôm, con cua được khẳng định đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.
Từ khi được công nhận xã nông thôn mới, hoạt động xây dựng xã nông thôn mới vẫn được An Nhơn duy trì và nâng chất các tiêu chí.
Xã thành lập 3 tổ hỗ trợ các ấp nâng chất các tiêu chí. Địa phương đặt mục tiêu năm 2021, hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đến năm 2022 đạt xã nông thôn mới nâng cao và năm 2024 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu./.