Đổi thay trên quê hương cách mạng Đèo Lũng Lô huyền thoại

Thượng Bằng La đã có nhiều triệu phú, tỷ phú với thu nhập 500 triệu đồng đến một tỷ đồng/năm như chị Vũ Thị Lợi ở thôn Thiên Tuế, anh Nguyễn Khắc Điệp ở thôn Nông Trường là những điển hình.
Đến nay, Thượng Bằng La có nhiều hộ có thu nhập cam mỗi năm từ 500 triệu đồng đến một tỷ đồng. (Nguồn: baoyenbai)

Đèo Lũng Lô thuộc xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái - một địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào lịch sử như một huyền thoại.

Đặc biệt, xã Thượng Bằng La, Đèo Lũng Lô có vị trí chiến lược quan trọng nên trong kháng chiến chống Pháp, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến theo Quốc lộ 13A (nay là Quốc lộ 37A) qua Đèo Lũng Lô tiến vào giải phóng Tây Bắc, làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.

Về Thượng Bằng La lần này, chúng tôi được Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Công Thức sôi nổi kể lại những gì mà anh đã nghe được qua các thế hệ tiền bối từng tham gia chiến dịch Điện biên phủ tại đèo Lũng Lô huyền thoại này: Năm 1953, khi Trung ương quyết định mở chiến dịch, xã Thượng Bằng La được chọn là nơi tập trung quân lương, quân dụng vượt đèo tiếp tế cho chiến dịch.

Ủy ban Kháng chiến xã được giao nhiệm vụ khảo sát và lãnh đạo các lực lượng tham gia mở đường qua đèo Lũng Lô.

Lúc đó, quân dân xã Thượng Bằng La cùng với lực lượng công binh, dân công hỏa tuyến các địa phương trong tỉnh không quản ngại khó khăn gian khổ, dưới làn bom đạn của giặc quyết tâm phá đá mở đường.

Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu, cột nhà lót đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch.

Trầm ngâm một chút với chén nước chè nóng hổi trên tay, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Công Thức chậm rãi: Qua hơn 200 ngày đêm, quân và dân Việt Nam vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn.

Tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt nối với Chiến khu Vần và Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Chiến khu Vần thuộc Chiến khu cách mạng Vần-Hiền Lương.

Chiến khu Vần nằm ở phía Nam huyện Trấn Yên và Đông Nam huyện Văn Chấn. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm ở địa bàn của 3 tổng là: Lương Ca, Giới Phiên thuộc Trấn Yên và Đại Lịch thuộc Văn Chấn. Chiến khu Vần hiện nay nằm ở làng Vần xã Việt Hồng huyện Trấn Yên.

[Chiến thắng Điện Biên Phủ: Khi xe đạp và... bàn thờ cùng vào trận địa]

Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, hàng vạn lượt dân công hỏa tuyến và nhân dân địa phương ngày đêm bám đường. Địch phá, ta lại sửa ta đi. Địch phá đoạn này, quân và dân mở đoạn khác. Địch phá ban ngày, quân và dân mở đường ban đêm. Do vậy, đèo Lũng Lô mới có những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu.

Với địa thế có vị trí chiến lược quan trọng nên trong kháng chiến chống Pháp, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến theo Quốc lộ 13A qua Thượng Bằng La tiến vào giải phóng Tây Bắc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu."

Chiến tranh đã lùi xa song những giá trị lịch sử, văn hóa vẫn còn sống mãi với thời gian... Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, ngày nay, Thượng Bằng La đang ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thượng Bằng La cho biết, Thượng Bằng La hôm nay đang phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ để nâng cao đời sống nhân dân.

Nhờ đó, đến nay sản lượng lúa cả năm của Thượng Bằng La đạt hơn 2.500 tấn, toàn xã có 500/2.000 hộ có mô hình phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng cam, nuôi gà, lợn, trồng rừng... có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; bình quân thu nhập đầu người đạt 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,3%.

Đặc biệt, xã luôn khuyến khích đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa và trồng cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế cao, vì vậy Thượng Bằng La đã có nhiều triệu phú, tỷ phú với thu nhập 500 triệu đồng đến một tỷ đồng/năm như chị Vũ Thị Lợi ở thôn Thiên Tuế, anh Nguyễn Khắc Điệp ở thôn Nông Trường là những điển hình.

Mặc dù là địa bàn bàn vùng cao nhưng xã đã phát huy hiệu quả về những tiềm năng lợi thế nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực chế biến gỗ, chè, vật liệu xây dựng, nhất trang trại nuôi thỏ rộng 30ha của Công ty Nippon Zoki Việt Nam đã giải quyết việc làm cho 80 lao động địa phương với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Những đổi thay trên quê hương cách mạng Thượng Bằng La hôm nay đã thể hiện sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây phát huy truyền thống vươn lên trong công cuộc đổi mới hôm nay. Đó cũng là tiền đề vững chắc để Thượng Bằng La tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục