Đối tác quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam đưa phát thải ròng về mức ‘0’

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh để thực hiện được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của công đồng quốc tế.
Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thông tin về Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng, diễn ra ngày 13/9, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các đối tác Quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu “Net-zezo” và chuyển đổi năng lượng theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hiện nay, Việt Nam còn gặp khó khăn về việc nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới như công nghệ để đảm bảo được an ninh, cân bằng các nguồn điện khi kiểm tra năng lượng tái tạo, công nghệ thu giữ cácbon, công nghệ sản xuất nguồn năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, tài chính cũng là vấn đề cần được chú ý để giúp thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vì thế, để thực hiện được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của công đồng quốc tế.

[Việt Nam tiến bước vào ‘sân chơi lớn’ quyết đưa phát thải ròng về O]

Ông Hà cũng cho biết sau Hội nghị COP26, trong các cuộc tiếp xúc cấp cao và qua nhiều hình thức khác, liên hợp quốc và các đối tác phát triển trong quá trình trao đổi với các bộ, ngành của Việt Nam đều bày tỏ sẵn sàng tham gia hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng.

Trong đó, các đối tác như Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu và các đối tác phát triển bao gồm Vương quốc Anh, Đan Mạch, Italy, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Australia, New Zealand, Phần Lan, Hà Lan, Hoa Kỳ; WB, ADB, IFC, WWF, UNDP, đối tác NDC (NDCP)… dự kiến sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về chuyển đổi năng lượng và năng lượng tái tạo; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; phát triển thị trường cácbon.

Các đối tác cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tài chính, chuyên gia; hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phía Việt Nam, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sau hội nghị COP26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trưởng ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các hoạt đồng như: Triển khai cập nhập Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) năm 2022; xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu 2050; chương trình hoạt động về chuyển đổi năng lượng xanh…

Tại hội nghị, đại diện Liên minh Châu Âu cho biết cơ chế tài chính, chính sách để huy động vốn đóng vai trò rất quan trọng, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển các mục tiêu sau này, đặc biệt sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh tế.

Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng đây là hành trình với nhiều khó khăn có rất nhiều yếu tố mới, có nhiều thách thức, cơ hội trong việc triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng.

Theo báo cáo về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có những con số cụ thể để có thể huy động được những nguồn lực từ các bên khác nhau với mức chi phí hợp lý.

Ghi nhận thông tin Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, đại diện Italia cũng cho biết bên cạnh vấn đề tài chính, việc phát triển khoa học công nghệ và nâng cao giáo dục sẽ hỗ trợ cho vấn đề chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả hơn.

Trên cơ sở đó, đa phần các đối tác quốc tế tham dự hội nghị cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng. Cùng với đó, các đối tác nhấn mạnh Việt Nam cần có xây dựng chính sách cụ thể, cần nâng cao đào tạo trong khoa học và công nghệ đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông đảm bảo công khai, minh bạch cho các bên có liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục