Đối tác đối thoại của ASEAN:Phép thử đầu tiên với “Nước Anh Toàn cầu”

ASEAN đã chấp nhận đơn đề nghị của Vương quốc Anh để trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của khối vào cuối năm nay, chưa đầy 12 tháng kể từ khi London chính thức đệ đơn.
Đối tác đối thoại của ASEAN:Phép thử đầu tiên với “Nước Anh Toàn cầu” ảnh 1Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gặp người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi tại Jakarta. (Ảnh: EPA)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, cuộc họp gần đây nhất của các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 24/4 đã nhận được nhiều sự quan tâm về câu hỏi ASEAN nên tiếp cận ra sao với Myanmar và chính quyền quân sự nước này.

Trong khi đó, mặc dù cũng nằm trong chương trình nghị sự, nhưng vấn đề cách tiếp cận của Vương quốc Anh với khối ASEAN lại không gây được nhiều chú ý.

ASEAN đã chấp nhận đơn đề nghị của Vương quốc Anh để trở thành đối tác đối thoại thứ 11 của khối vào cuối năm nay, chưa đầy 12 tháng kể từ khi London chính thức đệ đơn. Đây là dạng thức quan hệ đối tác bên thứ 3 mở rộng nhất của ASEAN.

Diễn biến quan trọng này không phải là điều bất ngờ hoàn toàn. Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 12 của ASEAN và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 6. Anh đã cử một phái bộ chuyên biệt đến ASEAN năm 2019, đồng thời phô trương sức mạnh mềm của Anh ở Đông Nam Á vượt trội hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác.

Hơn 40% công dân ASEAN sinh sống ở châu Âu hiện cư trú tại Anh, và 67% công dân châu Âu tại ASEAN là người Anh.

Vương quốc Anh là điểm đến giáo dục châu Âu hấp dẫn nhất đối với công dân ASEAN. Danh tiếng và sức hấp dẫn của quốc gia này, dựa trên những mối quan hệ lịch sử, ngoại giao và xã hội dân sự chặt chẽ với các quốc gia Đông Nam Á, đã thúc đẩy sự ủng hộ chung của ASEAN đối với đơn xin đề nghị quan hệ đối tác.

“Nước Anh toàn cầu” là khẩu hiệu mới tượng trưng cho sự quan tâm sâu sắc của London đối với cả việc xây dựng lại hình ảnh của quốc gia này thời kỳ hậu Brexit lẫn đảm nhận một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

[Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ngoại trưởng Anh]

Mối quan tâm của nước này đối với Đông Nam Á phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng về kinh tế và địa chính trị của khu vực cũng như mong muốn của Anh nhằm phục hồi ảnh hưởng lịch sử của mình ở châu Á.

Mặc dù biểu tượng “Nước Anh toàn cầu” đôi lúc bị chế giễu ở Liên minh châu Âu (EU), nhưng London đang đạt được bước tiến đáng kể trong việc thể hiện lại chính mình với tư cách là một nhân tố toàn cầu độc lập.

"Đánh giá tổng hợp về An ninh, Quốc phòng, Phát triển và Chính sách Đối ngoại" gần đây của Văn phòng Nội các Anh nhấn mạnh cụ thể vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mục tiêu đạt được hiện nay là trở thành một đối tác đối thoại của ASEAN. Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu duy nhất đạt được thành tựu này ngoài EU.

Vương quốc Anh cũng đang ký kết một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do ngày càng phát triển trong khu vực này, trong đó gồm cả với các nền kinh tế quan trọng như Singapore và Việt Nam.

Họ cũng đang tìm cách gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong khu vực, một nỗ lực ngoại giao và thương mại đầy hứa hẹn cho một quốc gia đang muốn tái can dự với khu vực.

Chính sách "Ngoại giao COVID-19" của Anh đang thể hiện dưới hình thức Đối thoại 3 bên mở rộng giữa Vương quốc Anh và ASEAN, một nền tảng mở rộng đến quản lý đại dịch, phục hồi kinh tế khu vực và thậm chí cả biến đổi khí hậu.

Vương quốc Anh là một thành viên sáng lập Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường năm 1971 - thỏa thuận an ninh tập thể duy nhất của châu Á - và duy trì sự hiện diện quân sự thường trực ở Brunei và Singapore.

Hải quân Hoàng gia Anh là một trong ba lực lượng hải quân châu Âu về mặt lý thuyết có thể duy trì sự hiện diện liên tục trong khu vực và tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ sớm dẫn đầu một nhóm tác chiến tàu sân bay qua Biển Đông đang tranh chấp.

Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu duy nhất tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở những vùng biển này, đồng thời can dự vào một trong những mối quan tâm an ninh lớn nhất của ASEAN. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace coi đó là hành động minh chứng cho khẩu hiệu “Nước Anh Toàn cầu."

Với việc trở thành một đối tác đối thoại của ASEAN, London có thể đạt được vị thế và quyền tiếp cận với các cấp cao nhất trong cơ chế đa phương và và ngoại giao quốc phòng của khu vực.

Quan hệ đối tác đối thoại với ASEAN là điều kiện tiên quyết để tham gia đối thoại chiến lược chính của châu Á, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). London cũng có thể đưa ra những lý lẽ hợp lý để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+, và nhiều khả năng vượt qua Pháp trong quá trình này.

Không giống như EU, Vương quốc Anh sẽ có thể đóng góp “quyền lực cứng” để duy trì các lợi ích an ninh trong khu vực này, cho dù trong phạm vi tương đối hạn chế của mình.

Can dự với Đông Nam Á và trở thành đối tác đối thoại của ASEAN là cơ hội tuyệt vời để London chứng minh khái niệm “Nước Anh Toàn cầu.” Không phải ngẫu nhiên mà London ngày càng thường xuyên tới khu vực này, với chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Dominic Raab tới dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM).

Mặc dù các nhà lãnh đạo ASEAN đã chấp nhận đơn đề nghị của Vương quốc Anh để trở thành đối tác đối thoại, nhưng việc xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn có thể trở thành một quá trình phức tạp, đặc biệt là khi ASEAN đã tạm ngừng mở rộng đối tác đối thoại từ cuối những năm 1990.

Hiện khó có khả năng ASEAN dỡ bỏ quy tắc đó để Vương quốc Anh có thể vượt qua hàng dài danh sách những quốc gia khác đã nộp đơn chờ đợi. Tuy nhiên, một số thành viên có thể tranh luận về việc đẩy nhanh quy chế đối tác đối thoại của Anh trên cơ sở rằng nước này từng là thành viên của EU.

Dù bằng cách nào, việc can dự cùng với ASEAN và Đông Nam Á sẽ là phép thử thực sự đầu tiên đối với “Nước Anh Toàn cầu.”

London cần phải thể hiện rằng họ có thể là một đối tác đáng tin cậy và mang tính xây dựng đối với ASEAN và Mỹ, đồng thời thực hiện hành động cân bằng tinh tế giữa đẩy lùi và duy trì mối quan hệ với Trung Quốc. Hiện cách thức để đạt được điều này vẫn chưa rõ ràng.

Hiện cũng chưa rõ liệu London có thể tập hợp các nguồn lực cần thiết để mở rộng và duy trì sự hiện diện trong khu vực hay không. Bất chấp sự nghiêng hẳn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nga vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với châu Âu và Vương quốc Anh.

Các cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Anh và hợp tác E3 với Đức và Pháp “sát sườn” hơn sẽ là vấn đề được ưu tiên hơn so với vùng “Viễn Đông”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục