Đối tác Chiến lược Xanh mở đường Hợp tác Xanh cho Việt Nam-Đan Mạch

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz khẳng định Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Đan Mạch và Việt Nam sẽ khơi nguồn cảm hứng cũng như tạo ra một hình mẫu về hợp tác song phương Bắc-Nam.
Đối tác Chiến lược Xanh mở đường Hợp tác Xanh cho Việt Nam-Đan Mạch ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 1/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã đồng chủ trì buổi lễ trực tuyến tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP) giữa Việt Nam và Đan Mạch.

Sự kiện này mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác hơn 50 năm giữa hai nước.

Nhân dịp này, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đã có những trao đổi với báo chí về những nội dung liên quan. Theo Đại sứ, kể từ năm 2015, quan hệ hai nước Việt Nam-Đan Mạch đã có sự chuyển đổi từ quan hệ nước nhận viện trợ-viện trợ sang quan hệ đối tác bình đẳng, với sự hợp tác trải dài ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả đối thoại chính trị, Tăng trưởng Xanh, năng lượng, lương thực, thực phẩm, y tế, văn hóa... , trong đó chủ yếu là hướng tới tập trung vào việc giúp đỡ xây dựng năng lực trong các ngành này.

Giải thích lý do vì sao hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh trong thời điểm hiện nay, trong khi đã có Quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2013), Đại sứ Nicolai Prytz cho biết, trước đây hai nước có quan hệ Đối tác toàn diện nhưng thực ra giữa Đan Mạch, Việt Nam đã có hợp tác chiến lược trong rất nhiều ngành, liên quan đến Tăng trưởng Xanh. Vì vậy, khi hai nước tiến tới mối quan hệ gọi là Đối tác Chiến lược Xanh, có nghĩa là hai bên đang tìm một cái tên chính xác cho quan hệ hợp tác đang diễn ra hiện nay.

[Việt Nam-Đan Mạch tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh]

Đại sứ Nicolai Prytz nhấn mạnh trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết hết sức mạnh mẽ liên quan đến Chuyển đổi Xanh, trong đó có cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 liên quan đến giảm phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và có ngành công nghiệp đang phát triển ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng.

Do đó, với việc Việt Nam và Đan Mạch thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP), Đại sứ Đan Mạch tin tưởng: GSP sẽ tập trung giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế của Việt Nam cũng như hướng các nỗ lực tới việc sử dụng nhiều hơn công nghệ xanh và thực hành bền vững.

"Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào sự thành công của mối quan hệ đối tác này vì hai nước chúng ta không những phải đối mặt với nhiều thách thức giống nhau mà còn cùng chia sẻ mức độ tham vọng và cam kết cao. Tuy xuất phát điểm có thể khác nhau nhưng cả hai nước chúng ta đều hướng đến một mục tiêu chung: một tương lai xanh. Khi chúng ta cùng chung tay và chí hướng, GSP sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia về Chuyển đổi Xanh cũng như thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050," Đại sứ chia sẻ.

Đại sứ nhấn mạnh thỏa thuận thiết lập GSP đã đưa mối quan hệ hợp tác vốn đã thân thiết và thành công giữa Việt Nam và Đan Mạch lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, cũng thiết lập một khuôn khổ vững chắc để Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam phát triển một nền kinh tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, ít phát thải carbon, thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

"Trong quan hệ đối tác này, Đan Mạch có thể đóng góp bằng các kinh nghiệm, tri thức, công nghệ và giải pháp xanh. Chính phủ Đan Mạch cũng mong muốn Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Đan Mạch và Việt Nam sẽ khơi nguồn cảm hứng cũng như tạo ra một hình mẫu về hợp tác song phương Bắc-Nam", Đại sứ Nicolai Prytz khẳng định.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia mà Đan Mạch có Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh, cùng với Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Hàn Quốc.

Theo Đại sứ Đan Mạch, GSP sẽ được thực hiện ở 3 cấp độ: Cấp độ chính trị, các chương trình hợp tác và cấp độ kinh tế; trong đó, ở cấp độ chính trị, Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục đối thoại về các vấn đề Tăng trưởng Xanh và biến đổi khí hậu.

Tiếp theo tuyên bố này, hai phía Việt Nam và Đan Mạch sẽ nhanh chóng bàn bạc và đưa ra một kế hoạch hành động của GSP với các mục tiêu tham vọng và hành động cụ thể. Kế hoạch hành động sẽ đẩy mạnh việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực hành tốt nhất, tăng cường xây dựng năng lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong các chương trình hợp tác chiến lược giữa hai nước đang tiến hành trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp thực phẩm, y tế, giáo dục, thống kê...

Kế hoạch này cũng sẽ bao gồm các sáng kiến mới trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như phát triển bền vững, khí hậu, giải pháp hàng hải...

Trước đó, tại buổi hội đàm trực tuyến tối 1/11 giữa hai Thủ tướng Việt Nam-Đan Mạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đối tác Chiến lược Xanh sẽ góp phần đưa quan hệ hợp tác hai nước trở thành hình mẫu trong hợp tác Bắc-Nam giữa các nước phát triển và đang phát triển về thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; là cơ sở tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, tăng cường đầu tư theo hướng Tăng trưởng Xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thể hiện trách nhiệm của hai nước chung sức cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường, khí hậu.

Thủ tướng Mette Frederiksen khẳng định Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh sẽ mở đường cho Hợp tác Xanh và đem lại thịnh vượng cho người dân hai nước, cũng như mục tiêu phát triển bền vững chung của toàn cầu.

Hai bên tin tưởng việc thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam-Đan Mạch sẽ là khuôn khổ mới bổ sung hiệu quả cho quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, đồng thời thể hiện trách nhiệm của hai nước trong nỗ lực chung hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn của thế giới.

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để sớm xây dựng kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung; tăng cường hợp tác xây dựng thể chế, chính sách, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tạo thuận lợi cho hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục