Đôi sư tử đá đền Bà Tấm - Biểu tượng nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý

Đôi sư tử đá - hiện vật gắn liền với di tích chùa-đền bà Tấm - là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá của vương triều nhà Lý, thể hiện bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ cao của nghệ nhân.
Đôi sư tử đá đền Bà Tấm - Biểu tượng nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý ảnh 1Khuôn viên cụm di tích chùa, đền bà Tấm tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Chùa-đền Bà Tấm (Linh Nhân Tư Phúc Tự), xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là một cụm di tích kiến trúc và danh thắng nổi tiếng của Hà Nội, mang tính chất quốc tự, gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyên Phi Ỷ Lan (Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan).

Những dấu son trong lịch sử Vương triều Lý có công lao đóng góp của Nguyên Phi Ỷ Lan - người con gái tài sắc vẹn toàn, có tài thay vua nhiếp chính, trông coi việc nước, là niềm tự hào của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, cũng như trong sự nghiệp xây dựng nước nhà cường thịnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, mở mang đạo Phật trong thời bình.

Chùa-đền bà Tấm do chính Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng và khánh thành vào tháng 3 năm Ất Mùi (1115).

[Nhận diện và tìm lại ý nghĩa biểu tượng của linh vật nghê thuần Việt]

Nằm cạnh Quốc lộ 5 đông người, xe qua lại, song di tích đền-chùa bà Tấm vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch của chốn tâm linh.

Từ xa, di tích nổi bật với tượng Đức Quốc mẫu Nguyên phi Ỷ Lan bằng đồng nguyên chất cao 9,1m, nặng 30 tấn, phía sau là bức phù điêu có diện tích hơn 140m2 bằng đá xanh.

Đôi sư tử đá đền Bà Tấm - Biểu tượng nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý ảnh 2Cận cảnh đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Bước vào cổng di tích là không gian kiến trúc mang phong cách triều Lý với thủy đình, đôi rồng thời Lý được phục chế năm 2000.

Đền bà Tấm là nơi phụng thờ Nguyên phi Ỷ Lan. Đền được xây dựng theo kiến trúc cung đình thời Lý với 72 cửa, thuộc loại cổ bậc nhất Việt Nam.

Chùa-đền Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) còn được du khách thập phương tìm đến bởi nơi đây lưu giữ 2 bảo vật quốc gia - đó là đôi sư tử đá và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng.

Đôi sư tử đá đền Bà Tấm - Biểu tượng nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý ảnh 3Chữ “Vương” được tạc trên trán đôi sư tử đá. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Trong đó, đôi sư tử đá - hiện vật gốc gắn liền với di tích này ngay từ khi khởi dựng - được chạm khắc rất tinh xảo, là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá của vương triều nhà Lý, thể hiện bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ cao của nghệ nhân.

Tượng được tạc từ khối sa thạch với kỹ thuật tạo hình điêu luyện, có kích thước lớn (cao 110, rộng 140cm) và được đặt trang trọng tại tòa Tam bảo của chùa.

Trên tác phẩm thể hiện các đường nét chạm khắc tinh tế, mang nhiều ý nghĩa triết lý đạo Phật, đồng thời thể hiện rõ sự uy nghiêm, quyền năng của một linh vật mang dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam ở thế kỷ XII.

Đây là hai bệ đặt tượng Phật tạo hình hai con sư tử, được nghệ nhân chú tâm diễn tả bộ mặt với thần thái uy nghi và sống động, mà không quan tâm tới hình thể, tạo nên một sự khác biệt.

Đôi sư tử đá đền Bà Tấm - Biểu tượng nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý ảnh 4Tượng được tạc từ khối sa thạch với kỹ thuật tạo hình điêu luyện. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Một nét độc đáo khác là sự pha trộn giữa tượng tròn và phù điêu - một thế mạnh trong nghệ thuật điêu khắc thời Lý.

Cả hai tượng sư tử được tạo tác trong tư thế nằm thủ phục, đường nét mềm mại, các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua những nét đục, chạm vừa uyển chuyển, vừa khỏe khoắn.

Trán sư tử ngắn, tựa như trán lạc đà, giữa trán chạm chữ “Vương” biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được viền quanh nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi to bè, chạm nhiều đường cong song hành, đều đặn.

Mắt giọt lệ kép, viền phía trên là hàng hoa văn dấu hỏi tròn (cánh hoa cúc) để cùng với khối mắt to, lồi, tạo nên một ấn tượng mạnh trước những đệ tử chiêm bái.

Đôi sư tử đá đền Bà Tấm - Biểu tượng nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý ảnh 5Đôi tượng sư tử đá được đặt trong gian chính điện. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Để tạo được “hồn” cho đôi mắt, nghệ nhân đã tạo cho đôi mắt ấy hàng mi cong uốn lượn, đuôi mắt vuốt dài, khiến có được cảm giác thanh thoát, uyển chuyển, mà nghệ thuật điêu khắc thời Lý đã đạt tới đỉnh cao.

Miệng sư tử mở rộng để lộ hàm răng, lưỡi đỡ viên ngọc, quanh mép là băng hồi văn xoắn ốc. Má chạm nổi băng hoa nhiều cánh xoắn ốc.

Cổ đeo dây lục lạc. Tai sư tử đặt trên mang bạnh, sau mang là những bờm tóc thể hiện bằng nhiều hàng hoa văn xoắn móc cùng chạy về một tâm. Chân sư tử có 5 móng chim ưng, đang trong tư thế động.

Nghệ nhân xưa đã thể hiện tài nghệ điêu khắc khéo léo, sử dụng nhiều họa tiết đan móc, khi thì gợn nhỏ tựa lưng vào nhau thành đường viền quanh miệng, khi thì to sù lên ở vai, khi lại xếp thành những bông hoa hé nở ở móng và chân, khiến cho người xem có ấn tượng vật đang sống và thở nhịp nhàng.

Đôi sư tử đá đền Bà Tấm - Biểu tượng nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý ảnh 6Đôi sư tử đá này được coi là một trong những biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá vương triều nhà Lý. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Theo Phật giáo, hình tượng sư tử là hiện thân của sức mạnh trí tuệ, song với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư tử đá chùa-đền Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động.

Đôi sư tử đá chùa-đền Bà Tấm là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật điêu khắc đá, thể hiện bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ cao của nghệ nhân thời Lý.

Không bị dập khuôn theo một hình mẫu nhất định, nghệ nhân đã thực sự sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, mang đậm dấu ấn thời đại.

Điều đó đòi hỏi một sự hội tụ của trí tuệ, của óc tưởng tượng, của tình cảm và tài nghệ điêu luyện của những nghệ nhân bậc thầy, để có thể sáng tạo nên những tác phẩm quý giá như thế.

Đây là hai trong số không nhiều loại hình hiện vật tiêu biểu về nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý hiện biết cho đến nay ở Việt Nam.

Tại đền-chùa Bà Tấm còn có một bảo vật quốc gia khác là Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng, có niên đại từ thế kỷ 16.

Khám thờ ở đền-chùa Bà Tấm là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho loại hình đồ thờ trong đền chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của nước ta nói chung và thời Mạc nói riêng.

Đây là một trong ba khám thờ có niên đại sớm nhất được biết đến hiện nay mang phong cách trang trí nghệ thuật, sản phẩm tiêu biểu của nghệ thuật sơn thếp truyền thống thế kỷ XVI, trải qua hơn 400 năm vẫn gần như còn nguyên vẹn.

Khám thờ được làm theo kiểu long đình, như là hình thức của một công trình kiến trúc thu nhỏ, nhưng lại khá chi tiết. Khám thờ cao 170cm, rộng thân 63cm, rộng chân 67cm, rộng bờ nóc 32cm, rộng mái trên 52cm, rộng mái dưới 76cm.

Ngoài giá trị nghệ thuật, bảo vật này cho chúng ta biết một hình mẫu kiến trúc thời Mạc, đưa nghệ thuật dân tộc trở về với bản thể truyền thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục