Đối phó với thách thức khủng bố - bài toán chưa có lời giải

Mặc dù bị Mỹ và liên minh quốc tế không kích dữ dội, nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng không những không yếu đi, mà dường như đang tiếp tục mạnh lên.
Binh sỹ Bỉ tuần tra trên các đường phố ở Brussels ngày 24/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang "hoan hỉ" với việc đã khiến chính phủ các nước bị cuốn vào "cuộc chơi" do chúng lên kế hoạch, buộc phải xoay sở đối phó với mối lo thường trực là các vụ tấn công khủng bố, đời sống xã hội trở nên căng thẳng, người dân hoang mang và sợ hãi.

Lúc này, Paris hoa lệ trở thành tâm điểm của khủng bố với các vụ xả súng, đánh bom tự sát, bắt cóc con tin.

Tại thủ đô Brussels (Bỉ), trái tim của cả châu Âu, người dân buộc phải "sống chậm" với việc đóng cửa trường học, cửa hàng, tàu điện ngầm để xe quân cảnh đi tuần tra trên phố.

Chính quyền các nước từ Australia đến châu Âu, hay Bắc Mỹ đều áp dụng các biện pháp siết chặt an ninh, khuyến cáo người dân chưa nên đến Pháp và Bỉ.

Phải chăng IS đã đạt được những điều mà chúng tìm kiếm? Hiểm họa từ tổ chức khủng bố này đối với an ninh khu vực và thế giới ra sao? Làm thế nào để có thể chiến đấu chống lại chúng? Đây là những câu hỏi đang được dư luận quan tâm sâu sắc.

Báo Le Figaro của Pháp cho rằng tổ chức khủng bố IS là "một loại kẻ thù mới, một nửa hoạt động theo kiểu nhà nước, một nửa hoạt động ngầm, có khả năng biến hóa khôn lường khiến việc đối phó với nhóm khủng bố này gặp nhiều khó khăn."

Thực tế cho thấy cuộc chiến chống IS đã chính thức bắt đầu vào tháng 9/2014, thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố "siết chặt vòng vây nhằm tiêu diệt tổ chức thánh chiến đang chiếm giữ vùng đất trải rộng từ miền Bắc Iraq, bao gồm các khu vực nằm trong thung lũng sông Tigris và Euphrates cho đến thành phố Aleppo ở phía Tây Bắc nước này, và một phần lãnh thổ Syria.

Thế nhưng, hơn một năm sau, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chỉ thu được những kết quả rất hạn chế. Không những thế, mặc dù bị Mỹ và liên minh quốc tế không kích dữ dội, nhưng IS không những không yếu đi, mà dường như đang tiếp tục mạnh lên.

Cách tiếp cận tổng thể cho thấy vào thời điểm hiện nay, chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà IS là đại diện đang “lột xác” với những biến thể chưa từng được biết tới, trở thành con bạch tuộc nhiều vòi cắm chốt không chỉ trên những vùng đất chiếm đóng trên thực địa mà còn trong suy nghĩ, nhận thức cực đoan của một bộ phận thanh niên - con em của các gia đình nhập cư tại một số nước Tây Âu.

Những đối tượng này thường có trình độ học vấn thấp, bị mất phương hướng trong một xã hội chưa phải đã loại bỏ hoàn toàn việc phân biệt sắc tộc.

Thông qua phương tiện truyền thông hiện đại như các mạng xã hội Twitter, Facebook, Instagram, những đối tượng này bị lôi kéo bởi những cuộc phiêu lưu với những cảnh bắn giết để "tiêu diệt kẻ thù." Chúng tự coi mình là những chiến binh chiến đấu vì "sứ mệnh cao cả" nhằm đem lại sự "thánh khiết" cho đạo Hồi.

Sau loạt vụ tấn công đẫm máu đêm 13/11, Tổng thống Pháp François Hollande ngay lập tức tuyên bố tiến hành "cuộc chiến không khoan nhượng" chống lại IS.

Mặt khác, ông cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Pháp và thắt chặt kiểm soát biên giới. Một chiến dịch truy lùng các phần tử khủng bố đã được triển khai với hàng trăm vụ khám xét, bắt giữ tại nhiều thành phố, thị trấn, thu giữ hàng trăm loại vũ khí, đạn dược.

Bên ngoài lãnh thổ, Pháp đã tiến hành oanh kích các mục tiêu của IS ở Iraq với các máy bay chiến đấu Rafale từ tàu sân bay Charles de Gaulle.

Tổng thống Pháp cũng có các chuyến công du và các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao các nước Anh, Mỹ, Đức và Nga nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn cho chiến dịch chống IS và giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria.

Tại các cuộc gặp, nhà lãnh đạo Pháp đã nhận được cam kết ủng hộ mạnh mẽ trong nỗ lực chung chống lại IS.

Thủ tướng Anh David Cameron đã đề nghị Pháp sử dụng căn cứ không quân Akrotiri của Anh ở Cyprus để tấn công IS, đồng thời cho biết sẽ "vai kề vai" với Paris trong cuộc chiến này.

Ngoài cam kết phối hợp hành động trong cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ đã nhất trí về tầm quan trọng của việc đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế sự di chuyển của các phần tử cực đoan vào châu Âu, đồng thời tập trung tấn công vào các cơ sở cung cấp nguồn tài chính cho IS.

Việc thành lập một liên minh toàn cầu để huy động các nỗ lực chung, đặc biệt là trong hợp tác quân sự nhằm "xóa sổ" IS đặt ra như một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh các vụ tấn công khủng bố thời gian qua, từ vụ đánh bom máy bay của Nga, các vụ nổ tại Beirut, Lebanon và Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) cho đến loạt vụ tấn công tại Paris đều cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các sự việc với nhau, trong đó IS luôn đứng sau các cuộc tấn công đó.

Các vụ việc cũng cho thấy mức độ gắn kết chặt chẽ giữa chủ nghĩa khủng bố quốc tế, cuộc khủng hoảng tại Syria và khủng hoảng nhập cư tại châu Âu.

Tuy nhiên, một liên minh như vậy luôn bị cho là lỏng lẻo và bị nghi ngờ về tính hiệu quả khi các nước có quan điểm khác nhau về giải pháp cho Syria.

Nga cho rằng vấn đề ưu tiên hiện nay ở Syria là chống tổ chức khủng bố IS chứ không phải tìm cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, rằng nhà lãnh đạo Syria là người đại diện hợp pháp cho những lợi ích của người dân Syria, trong khi các nước Phương Tây tuyên bố rằng ông Assad phải ra đi mới kết thúc được cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Vấn đề nhập cư cũng cho thấy những khó khăn của công tác an ninh châu Âu trong việc kiểm soát biên giới. Bằng chứng cụ thể là tên khủng bố Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị tiêu diệt trong vụ đột kích của cảnh sát ngày 18/11 tại Saint-Denis, từ Syria đã dễ dàng vào lãnh thổ châu Âu và đến tận Pháp mà không ai hay biết.

Bên cạnh đó, IS cũng công khai tuyên bố đã gửi đến châu Âu hàng trăm kẻ thánh chiến trong dòng người tị nạn lên đến hàng trăm nghìn người đang đổ về châu Âu. Thực tế này đặt ra yêu cầu xem xét lại Hiệp ước Schengen (quy định miễn thị thực giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu).

Những khác biệt về quan điểm trong giải pháp chính trị cho Syria cùng những bất cập trong phương thức hoạt động của khu vực đi lại tự do Schengen của EU, cũng như nhiều vấn đề gây chia rẽ khác trong nội bộ EU cho thấy cộng đồng quốc tế chưa có kế sách hữu hiệu nhằm đẩy lui thảm họa khủng bố. Thách thức khủng bố vẫn là bài toán chưa có lời giải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục