Đòi nợ thuê: Chính phủ muốn cấm, đại biểu Quốc hội muốn quản

Cho ý kiến về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên đưa ngành, nghề này vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Đòi nợ thuê: Chính phủ muốn cấm, đại biểu Quốc hội muốn quản ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Ngăn chặn hoạt động tín dụng đen

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6 dự thảo Luật), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu quan điểm đây là hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thực tế cho thấy, nhiều người cho vay không đòi được nợ dẫn đến truy sát cả gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm. Bởi nếu kiện ra tòa mất rất nhiều thời gian và chi phí kiện tụng không phải là nhỏ. Nếu như người đi vay bị xử đi tù, món nợ cũng không đòi được.

[Luật Đầu tư: Cân nhắc dịch vụ đòi nợ, cấm việc mua bán bào thai]

“Quy định này có ngăn chặn được đòi nợ thuê xảy ra khi hàng loạt công ty tài chính mọc lên như nấm với chức năng là cho vay nặng lãi sau đó là đòi nợ thuê. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi côn đồ chứ không phải quản lý không được rồi ngăn chặn hoặc cấm," đại biểu nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng, đòi nợ là vấn đề khó trong giao dịch dân sự, hợp đồng kinh tế. Trong thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành, một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực. Bên đòi nợ tìm mọi cách thu giữ, hủy hoại tài sản trái pháp luật, đe dọa, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.

Nhiều nơi lợi dụng đăng ký dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người; phổ biến là hành vi đe dọa người thân, cha mẹ con nợ.

Theo đại biểu Phạm Huyền Ngọc, gần đây, đối tượng đòi nợ thuê có hành vi nguy hiểm, phức tạp hơn mà nhiều người không ngờ tới. Ví dụ, con nợ là giáo viên, đối tượng đòi nợ gọi điện đe dọa cả Ban Giám hiệu nhà trường; hàng xóm của con nợ bỗng nhiên bị gọi điện khủng bố vào giữa đêm, thậm chí ném chất bẩn vào nhà… nhằm gây áp lực với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để cùng gây áp lực, buộc con nợ phải trả nợ.

“Những hành vi này gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng rất xấu tới an ninh, trật tự địa phương nhưng lực lượng Công an rất khó xác định đối tượng và phát hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Việc quy định kinh doanh đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng thiếu những quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện tuân thủ pháp luật... là một trong những nguyên nhân phát sinh tín dụng đen," đại biểu chỉ rõ.

Dẫn chứng vụ Quân “xa lộ,” hay mới nhất là vào ngày 18/11 tại Gia Lai, do chồng vay nợ tín dụng đen liên tục bị đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng…, đại biểu cho rằng, dịch vụ này gây nhiều hệ lụy xã hội.

“Nếu Luật Đầu tư sửa đổi lần này đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý,” đại biểu Phạm Huyền Ngọc nhấn mạnh.

Cấm hoạt động mua bán bào thai

Chỉ ra thực tế hiện nay, tình trạng mua bán bào thai, sử dụng bóng cười... diễn ra ở nhiều nơi nhưng kết quả xử lý còn hạn chế, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp loại trừ những nguyên nhân phát sinh vi phạm, bổ sung cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm.

Về tình trạng mua bán bào thai, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, tại Kỳ họp 6 năm 2018, ông đã từng phản ánh trước Quốc hội về tình trạng một số đối tượng buôn người, tổ chức cho phụ nữ người dân tộc, miền núi mang thai từ tháng 7-8 sang nước ngoài chờ sinh con rồi bán cho các đối tượng nước sở tại.

Đòi nợ thuê: Chính phủ muốn cấm, đại biểu Quốc hội muốn quản ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm hại tới bào thai, trẻ sơ sinh mà còn để lại hậu quả thương tâm cho người mẹ, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội.

“Quá trình điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, bào thai không phải là một bộ phận của cơ thể người mẹ, bào thai cũng chưa phải là trẻ em. Vì vậy, không thể áp dụng Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi hoặc Điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người của Bộ luật Hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là nguyên nhân làm cho hành vi mua bán bào thai diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng,” đại biểu dẫn chứng.

Để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị bổ sung vào Luật Đầu tư nội dung về việc cấm các hoạt động kinh doanh bào thai.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) đề nghị bổ sung ngành sản xuất kinh doanh cấp nước sạch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đại biểu phân tích, nước sạch là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống con người và phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch phải chịu sự kiểm soát của nhà nước nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong cung cấp nước sạch cho người dân cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh đầu tư, cung cấp nước sạch.

Đại biểu nhấn mạnh, điều này càng cần thiết hơn trong điều kiện thời gian qua nước sạch sông Đà bị “đầu độc,” gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân ở các quận, huyện thành phố Hà Nội, gây chi phí tốn kém cho việc mua nước sạch.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục