"Đội ngũ luật sư Việt Nam không có thành viên nào chạy án"

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng một vài luật sư có biểu hiện chạy án nhưng hiện chưa có chứng cứ rõ ràng, do đó không thể khẳng định có một bộ phận luật sư chạy án.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 2. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Sau ba ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, ngày 19/4, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 2 đã bế mạc.

Với chủ đề “Đoàn kết-Kỷ cương-Trí tuệ-Bảo vệ công lý,” Đại hội đã tập trung thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 1 và phương hướng công tác nhiệm kỳ 2; Báo cáo công tác tài chính nhiệm kỳ 1 và kế hoạch công tác tài chính nhiệm kỳ 2; Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam để áp dụng thống nhất đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư.

Đại hội đã bầu ra Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ 2 gồm 95 thành viên, trong đó 63 thành viên đương nhiên là Chủ nhiệm các Đoàn luật sư.

Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ 2 đã họp phiên đầu tiên bầu ra Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam gồm 21 thành viên; bầu bốn Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ 2 là tiến sỹ-luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ 1; tiến sỹ-luật sư Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ 1; luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ 1, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ 2 sẽ tiến hành phiên họp tiếp theo trong thời gian sớm nhất để bầu ra Chủ tịch và một Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ 2 cũng đã quyết nghị giao Phó Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh điều hành và đại diện cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong quan hệ đối nội, đối ngoại đến khi bầu được Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ 2.

Trước đó, Đại hội đã thảo luận và quyết định chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ do Đại hội bầu trực tiếp; nhiệm kỳ Chủ tịch sẽ bị hạn chế cả về số lần, thời gian nhiệm kỳ và độ tuổi. Theo đó, những luật sư trên 70 tuổi sẽ không được đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề phí thành viên được Đại hội quyết định thu thành một khoản chung và các luật sư sẽ nộp phí thành viên trực tiếp tại Đoàn luật sư nơi mình đăng ký và hoạt động hành nghề.

Sau bế mạc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ 2 đã tổ chức họp báo công bố kết quả của Đại hội. Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí vì sao tại Đại hội, Hội đồng Luật sư toàn quốc chưa bầu ra được chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ tịch Phan Trung Hoài cho biết nhiệm vụ của Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ 2 là bầu ra Hội đồng Luật sư toàn quốc và nhiệm vụ này hoàn thành. Hội đồng Luật sư toàn quốc có trách nhiệm bầu ra Ủy viên Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tại phiên họp lần thứ 1, Liên đoàn Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ 2 đã bầu ra được 21 Ủy viên Ban Thường vụ và bốn luật sư tham gia với chức danh Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Riêng chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam do kết quả bầu cử các ủy viên Hội đồng Luật sư trực tiếp và dự kiến nhân sự không đạt số phiếu tín nhiệm theo biểu quyết của Đại hội. Do vậy, chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ được bầu trong phiên họp sớm nhất của Hội đồng Luật sư toàn quốc.

Cũng theo Phó Chủ tịch Phan Trung Hoài, chức danh Chủ tịch có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong mối quan hệ với các tổ chức quốc tế cũng với các tổ chức, cơ quan trong nước; đồng thời để lựa chọn vị luật sư xứng đáng với kỳ vọng của giới luật sư Việt Nam thì cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo. Vì thế trong phiên họp thứ nhất, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã quyết định lui thời gian bầu chức danh Chủ tịch để sự lựa chọn thật chính xác và thực hiện theo đúng quy trình bầu chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam theo quy định của Luật luật sư.

Xung quanh ý kiến của một số luật sư cho rằng việc đóng phí thành viên hiện nay là “một cổ hai tròng,” giải thích vấn đề này Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Chiến cho biết để xác định là thành viên của Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư, thì trách nhiệm các thành viên theo quy định của Luật luật sư phải có nghĩa vụ đóng phí thành viên đối với tổ chức của mình. Như vậy, các luật sư là thành viên của Đoàn luật sư sẽ phải đóng phí thành viên theo quy định của Điều lệ Đoàn luật sư và quy định của pháp luật. Mặt khác, đối với các luật sư theo quy định của Đoàn luật sư khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra đời cũng là thành viên của Liên đoàn và thành viên đó cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng phí cho tổ chức của mình.

Các luật sư được quyền hành nghề và các tổ chức Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư bảo vệ quyền hành nghề cũng như những quyền hợp pháp của luật sư. Theo đó, tương ứng với các nghĩa vụ thì luật sư phải đóng phí thành viên. Còn vấn đề “một cổ hai tròng hay không," thì trước các quy định của pháp luật và trách nhiệm của luật sư đã được thể hiện rõ trong những quy định của pháp luật và Điều lệ.

Tuy nhiên, tránh sự hiểu nhầm cũng như việc các luật sư sẽ phải mất nhiều thời gian cho việc nộp phí của mình, thì điểm mới trong Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được dự thảo sửa đổi và Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 2 biểu quyết thông qua là phí thành viên sẽ được tập trung thu ở một nơi. Đó là Đoàn luật sư, nơi luật sư đăng ký là thành viên và hoạt động hành nghề.

Đoàn luật sư sẽ có trách nhiệm trích một phần phí đó nộp về Liên đoàn luật sư. Như vậy, các luật sư sẽ không phải mất nhiều quỹ thời gian cũng như không phải chia làm hai lần đóng phí, để từ đó không phải dẫn đến hiểu nhầm mang trên mình “một cổ hai tròng.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên cho rằng hiện nay có một bộ phận luật sư chạy án, Phó Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định: “Đội ngũ luật sư Việt Nam không có chạy án; không có một bộ phận đó.” Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh, một vài luật sư có biểu hiện đó nhưng hiện nay chưa có chứng cứ rõ ràng, do đó không thể khẳng định có một bộ phận luật sư chạy án.

Còn có những tiêu cực, tồn tại trong một ngành nghề, đó là một điều đương nhiên không thể tránh khỏi trong quá trình chuyển đổi, xây dựng nhà nước pháp quyền như hiện nay. Nhất là, khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh và cơ chế kiểm tra giám sát của chính cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa được bảo đảm và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư đang thực hiện chế độ tự quản lý thì việc có một vài hạn chế là không thể tránh khỏi.

Tuy vậy, khi có những phản ánh về việc tiêu cực này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư sẽ tuyên truyền giáo dục trong toàn đội ngũ luật sư thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử đạo đức hành nghề luật sư; thực hiện giáo dục chính trị, tư tưởng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để hạn chế tối đa việc có những biểu hiện tiêu cực. Nếu có trường hợp tiêu cực, Liên đoàn luật sư, các Đoàn luật sư sẽ kịp thời uống nắn, giúp đỡ, đồng thời xử lý các luật sư cố tình vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và mức độ cao nhất là loại bỏ họ ra khỏi đội ngũ luật sư, không để con sâu làm rầu nồi canh.

Cũng tại cuộc họp báo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về vấn đề hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Việt Nam; vai trò của luật sư trong vấn đề chống oan, sai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục