Ngày 13/7, bà Theresa May đã chính thức trở thành Thủ tướng Vương quốc Anh và cũng là nữ Thủ tướng thứ hai của Xứ sở Sương mù.
Báo chí Anh ngay lập tức đã đưa ra một số nhận định về quan điểm của bà May trong một số vấn đề cơ bản, những yếu tố được đánh giá sẽ góp phần quyết định thành công hay thất bại cho bà trên cương vị mới.
Theo tờ Người bảo vệ (The Guardian), quan điểm và các động thái của bà May liên quan đến về vấn đề nhập cư trong suốt thời gian bà giữ chức Bộ trưởng Nội vụ là điểm nổi bật trong hoạt động chính trị của bà.
Mặc dù không chính thức đề ra mục tiêu giảm số người nhập cư ròng xuống con số hàng chục nghìn người so với mức 330.000 người, theo thống kê mới nhất, song bản thân bà nhiều lần đưa ra cam kết thực hiện điều này.
Một trong những chính sách gây nhiều tranh cãi nhất là quy định mới ban hành không cho phép công dân Anh đưa vợ/chồng (là người nước ngoài) hoặc con cái vào nước Anh nếu họ không có thu nhập hàng năm tối thiểu là 18.600 bảng, không tính tới mức thu nhập của người vợ/chồng đó.
Nhiều gia đình tại Anh đang kiến nghị luật này lên tòa án tối cao, vì cho rằng nó khiến trẻ con bị tách khỏi gia đình trong thời gian dài. Quy định này nằm trong số những biện pháp mà bà May đưa ra nhằm giảm số người nhập cư vào Anh.
Về vấn đề nhân quyền, trong giai đoạn trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa qua, bà May đã khuyến nghị nước Anh nên rút khỏi Công ước châu Âu (ECHR) về nhân quyền bất luận kết quả cuộc trưng cầu như thế nào.
Bà May cho rằng ECHR khiến Quốc hội bị ràng buộc, trong khi không làm gia tăng của cải hay củng cố tình hình an ninh cho đất nước, cũng như chẳng thể làm gì để thuyết phục chính phủ các nước như Nga chẳng hạn thay đổi quan điểm về nhân quyền.
Vấn đề quyền của các doanh nghiệp và người lao động là một phần quan trọng trong bài phát biểu của bà May hôm 11/7, sau khi Thủ tướng David Cameron vừa từ nhiệm và tuyên bố bà May sẽ trở thành Thủ tướng Anh vào ngày 13/7. Bà nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo của tôi, Đảng Bảo thủ sẽ hoàn toàn vì lợi ích của người lao động."
Bà May đã nhiều lần phản đối mức lương tối thiểu quốc gia. Mức lương tối thiểu này sẽ chuyển gánh nặng từ quỹ phúc lợi nhà nước sang cho các doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực giáo dục, bà May trong những năm gần đây đã thay đổi quan điểm về học phí bậc đại học. Tuy bà từng phản đối việc nâng mức trần học phí, nhưng bà đã dành một phiếu ủng hộ cho việc nâng mức trần học phí này hồi năm 2010. Bà cũng là người ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove về miễn học phí.
Trước đó, sau phát biểu nhậm chức tối 13/7, tân Thủ tướng Anh May đã công bố nội các mới với nhiều thay đổi trong các vị trí chủ chốt so với nội các của Thủ tướng vừa từ nhiệm David Cameron. Không khác với đồn đoán của giới thạo tin, Ngoại trưởng Philip Hammond được chuyển sang giữ chức Bộ trưởng Tài chính thay ông Goerge Osborne, trong khi cựu Thị trưởng London Boris Johnson được cử giữ chức Ngoại trưởng.
Về phần mình, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh rằng bà May là một nhà đàm phán tuyệt vời. Tuy nhiên, ông cũng khuyên người kế nhiệm mình cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ với EU vì những lợi ích quan trọng về thương mại, hợp tác và an ninh cho nước Anh.
Theo ông Cameron, Chính phủ do ông lãnh đạo đã nỗ lực để đảm bảo rằng gần 3 triệu công dân EU có thể ở lại Vương quốc Anh. Mặc dù vậy, ông cho rằng điều này phụ thuộc nhiều vào quyền lợi mà công dân Anh sẽ được hưởng khi họ cư trú ở châu Âu lục địa.
Bà May, 59 tuổi, sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi tiến hành đàm phán với các nhà lãnh đạo EU về việc Anh ra khỏi liên minh. Bà có nhiệm vụ giảm thiểu những thiệt hại mà việc Anh ra khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, gây ra đối với nền kinh tế Anh, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, bà May sẽ phải hàn gắn những chia rẽ và rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền./.