La Pán Tẩn vào chiều. Những cụm sương mù từ phía đỉnh Pơ Dê Đao cuồn cuộn sà sát mặt người, lẫn loãng vào từng hơi thở gấp của đội tìm kiếm cứu nạn. Lẩn quất quanh bãi quặng đã tan hoang sau mưa lớn, dăm ba đồng bào người Mông từ các bản xa xa vẫn lầm lũi mót quặng, bất chấp cái chết của 18 con người vừa mới đây. Vòng luẩn quẩn về miếng ăn, cái đói nghèo đã khiến ánh sáng từ những cục quặng nằm sâu trong lòng núi mẹ luôn hiện như một nỗi ám ảnh khôn nguôi, tạo nên những cuộc mưu sinh trên miệng tử thần. Cân quặng, mạng người Tráng A Sinh, năm nay mới 24 tuổi, người bản Trống Tùng mấy ngày hôm nay được huy động để tìm kiếm thi thể hai nạn nhân cuối cùng còn xót lại La Pán Tẩn. Ngồi trên đỉnh dốc cao ngó xuống bãi quặng giờ chỉ còn ngổn ngang đất bùn, Sinh ngẩn người. Trong đám người bị nuốt sâu vào lòng núi mẹ ấy, có cả anh em, bạn bè của Sinh. Theo lời kể của gã trai bản Trống Tùng, chuyện người Mông mình đi mót quặng đem đổi lấy nồi cơm đã có từ mấy năm nay. Trẻ con, người già, thanh niên... cứ đua nhau cắt mấy tiếng đường rừng, mình ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ gay như vừa uống rượu đến khu quặng lộ thiên. Đau xót nhất, đồng bào người Mông lẩn khuất sau những vạt rừng lại cứ đợi trời mưa mới kéo nhau đông đảo đi tìm quặng. Mưa xối xả kéo lớp đất đá nhẹ hơn phía trên đi, để lại những vỉa quặng lớn lại. “Mưa càng to, nước suối xối xả thì càng nhiều quặng. Mỗi tháng đi ba lần nhưng nếu mót được trên 10 cân thì ngày nào cũng đi,” Hạng A Sinh, người bản La Pán Tẩn cho hay.
Một mẩu quặng người Mông La Pán Tẩn mót được (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là cái đói nghèo. Từ tháng Tám, đa phần các gia đình người H’Mông đã hết gạo dự trữ. Cái đói sẽ còn kéo dài đến tháng Mười, lại đúng vào thời điểm lũ quét, quặng trôi dạt từ mỏ ra lộ thiên trên mặt đất, bên cạnh suối. Mặc dù chỉ là bã quặng, trị giá cao nhất khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng với người La Pán Tẩn thì mỗi cân cũng đổi được nửa yến thóc cho qua tháng đói nghèo. Người may mắn, có khi kiếm được cả bạc triệu cho một lần mót quặng của mình. Ngay trong những ngày lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm thi thể của hai anh em Lý A Xinh và Lý A Lềnh, thảm cảnh đau lòng vẫn cứ hiện ra mồn một như những thước phim quay chậm. Ông Đào Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Đạt, đơn vị khai thác quặng tại đây kể lại cho chúng tôi những câu chuyện nhói lòng. Rằng, đến tận ngày hôm qua, trong nhóm người nhà của A Xinh và A Lềnh đi tìm xác, vẫn có người đi dọc lòng khe, khóc nhưng tay vẫn không quên cầm theo cái búa và chiếc xô để nhặt quặng. Ngay hơn chục người Mông được huy động tìm kiếm thi thể Lềnh và Xinh cũng không bỏ qua dịp được “găm” quặng mang về nhà. Lý A Của, người bản Pú Nhu là một trong những dân quân tự vệ được huy động tìm kiếm Lềnh và Xinh. Ngày chúng tôi lên Trống Páo Sang, Của tay cuốc, lưng đeo dao đi rừng… lăn vào hàng nghìn khối đất đá trong nỗ lực cuối cùng tìm được Lềnh và Xinh. Nhưng, điều bất ngờ nhất, khi lực lượng cứu hộ dùng nước để đẩy bùn ra khỏi khu vực nghi ngờ, lớp quặng bạc lại lộ ra, lấp lánh dưới cái nắng gay gắt từ đỉnh Pơ Dao Đê đang hắt về. Của ngồi sụp xuống, tay mò mẫm trong đám bùn đỏ quạch.
Rửa quặng vừa mót được (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Xung quanh, gần chục người khác cũng bỏ cuốc, gậy, chăm chú vào vỉa quặng vỡ vừa mới lộ ra. Cầm trên tay một viên đá đầy bùn đất, Của mau mắn rửa lại trong vũng nước còn sót lại gần đó. Rồi đập, rồi đưa lên nắng soi. Rồi hỉ hả cười. Của bảo, viên quặng này đẹp, mang đi bán chắc cũng được gần 30.000/kg. Trước mắt tôi, trong phút chốc, gần chục dân quân tự vệ mấy ngày nay lăn xả vào bùn đất tìm người xấu xố đã biến thành những người mót quặng. Họ thi nhau đào xới một khoảnh đất bé nhỏ, thi nhau gõ, đập và nhét đá quặng đầy các túi mang theo mình. Cầm viên quặng nhỏ cỡ đầu tay cái Của đưa cho, chúng tôi bỗng thấy mặn chát. Những vệt quặng bạc li ti, lấp lánh chạy một dải bám riết vào thân đá ấy là nguồn cơn của cái chết gần hai chục con người ngày 7/9 vừa qua và chẳng biết sẽ gây ra thêm bao nhiêu nỗi đau nữa nếu không được ngăn chặn kịp thời. Đường đi nào cho đời mót quặng? Thấy lực lượng dân quân đồng bào Mông đã bắt đầu xôn xao với quặng, Phó Chủ tịch huyện Mù Căng Chải, Giàng A Vừ như ngồi trên đống lửa. Ông một mặt vừa chỉ đạo việc tìm kiếm hai thi thể cuối cùng, mặt khác luôn miệng hò hét anh em dân quân ngừng tìm kiếm quặng. “Các anh xem, đồng bào Mông vẫn chưa biết sợ sau vụ lở núi. Họ vẫn không ngừng đi nhặt quặng, mặc dù chính quyền đã từng hết sức để vận động, tuyên truyền,” Phó Chủ tịch A Vừ thành thật. Ngay cả khi, đoàn cán bộ của huyện xuống làm việc, chỉ rõ sự nguy hiểm của việc mót quặng, người dân vẫn cứ hồn nhiên bảo: “Tao chết chứ mày có chết đâu mà phải lo.” Bởi vậy mới có chuyện, mót quặng trở thành một thứ “nghề” gia truyền trong cộng đồng người Mông La Pán Tẩn. Lý A Sinh, gã trai người Mông bảo Trống Tùng kể, trong bản xa của gã, nhà có người không đi mót quặng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trẻ con, chưa biết con chữ, đã biết vượt hai giờ đường rừng trơn tuột ra lòng khe đào bới. Rủ người trong nhà chưa đủ, đồng bào còn í ới gọi họ hàng xa vào núi mẹ.
Dân quân cũng tham gia nhặt quặng... (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Trong bản danh sách những người tử vong sau thảm họa La Pán Tẩn, đồng chí Phó trưởng công an huyện Mù Căng Chải chua xót chỉ ra một trường hợp không thuộc địa bàn xã này. Đó là Lý A Súa người xã Púng Luông. Tối 6/9, một ngày trước khi thảm họa lở núi diễn ra, Súa nhận được điện thoại của người cháu họ từ La Pa Tẩn rủ ngày mai cùng vào Trống Páo Sang nhặt quặng. Súa ngần ngừ, vì sợ trời mưa lớn nhưng cuộc điện vẫn cứ nằng nặc, càng mưa càng nhiều quặng nổi. Thế là Súa lên đường vào Trống Páo Sang để rồi không bao giờ có thể trở ra được nữa. Lại có chuyện, Hàng Tống Chua, sáng định mệnh vừa đi chăn dê về thì gặp vợ và con trai đi mót quặng. Vợ Chua, Thào Thị Của mắng chồng: “Giờ mày về nhà làm gì, đi mót quặng đi.” Thế là Chua lao vào lòng núi. Đến khi núi sập, Chua được người dân kịp kéo lên bờ nhưng vì tiếc cái máng đãi quặng còn sót phía dưới, Chua giãy ra, chạy xuống lấy lên thì bị cả tảng đất lớn cuốn đi. May mắn hơn 19 người đã vĩnh viễn nằm lại lòng núi, Hảng A Lâm, bản La Pán Tần chỉ kịp thoát chết trong gang tấc. Sáng hôm đó, thấy dân bản kéo nhau vào núi nhiều, A Lâm cũng đi theo cải thiện bữa cơm hàng ngày. Lâm kể mà gương mặt chưa hết bàng hoàng: “Hôm đó em bị mất cái máng đãi quặng nên quay lại tìm. Vừa đi được một đoạn, em nghe tiếng ầm ầm của đất lở, đá lăn đằng sau.” Định hình lại, sau khi hiểu chuyện gì xảy ra, Lâm lao vào và chỉ nhìn thấy 2 người nửa chìm, nửa nổi trên lớp bùn đất. Cố hết sức, cuối cùng Lâm cũng lôi được Hảng A Thắng và Hảng A Nắng (cùng ở La Pán Tẩn) ra...
Nỗi đau người ở lại (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Người dân La Pán Tẩn cho hay, toàn bộ quặng lậu sẽ được bán ra ở Ngã Ba Kim hay Tú Lệ. Ông Đỗ Xuân Thịnh, Giám đốc công ty Đạt Thịnh khẳng định, công ty không thu mua lại quặng của người dân mót được cũng như không thuê người dân đi mót để bán lại cho công ty. “Bản thân chúng tôi cũng đã nhiều lần nhờ chính quyền can thiệp để dẹp các đầu nậu thu mua, không còn chỗ bán, bà con sẽ không đi mót quặng nữa,” ông Thịnh nói. Theo khẳng định của ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái, hiện tỉnh này vẫn chưa phát hiện được tình trạng bà con mang quặng mót được ra ngã ba Kim hay Tú Lệ bán. “Nếu có chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt nghiêm,” ông Nguyên khẳng định. Trong khi chính quyền địa phương vẫn cứ loay hoay với bài toán tuyên truyền và vận động, ngày ngày, người Mông núi cao vẫn sẽ tỏa đi vào lòng núi để tìm quặng mang về. Không có kinh tế phụ, không phát triển được du lịch tại ruộng bậc thang mang tầm vóc quốc gia, câu chuyện luẩn quẩn về vòng mưu sinh của người La Pán Tẩn vẫn chưa dừng./.
Sơn Bách-Mạnh Hùng (Vietnam+)