Đổi mới và phát triển đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập

Việc mở rộng hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có nhận thức mới về đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 15/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới và phát triển đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế.”

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng cho biết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đối ngoại nhân dân thực chất là công tác dân vận, vận động các đối tượng quần chúng nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác đối ngoại nhân dân là bộ phận hợp thành của công tác đối ngoại chung.

Trong 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho công tác đối ngoại nói riêng và cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả,” Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phát huy truyền thống của các thế hệ đối ngoại nhân dân đi trước, mạnh mẽ đổi mới, mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân; đẩy mạnh và chủ động vận động viện trợ, nâng cao hiệu quả, tiếp nhân, sử dụng và quản lý tốt hoạt động của các tổ chức phi chính phủ; từng bước khắc phục hạn chế trong công tác nghiên cứu, tham mưu và thông tin đối ngoại; tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức, phát triển các tổ chức thành viên...

Tham luận với chủ đề “Đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân trong tình hình mới,” nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia Vũ Mão cho rằng công tác đối ngoại nhân dân có vai trò đột phá, tạo cơ sở nền tảng quần chúng cho công tác đối ngoại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Theo ông Vũ Mão, trong tình hình mới của đất nước hiện nay, việc mở rộng hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có nhận thức mới về đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đối ngoại nhân dân. Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận về hoạt động động đối ngoại nhân dân; chủ động xây dựng cơ chế phối hợp đối ngoại nhân dân với đối ngoại của Đảng và Ngoại giao Nhà nước; xây dựng quan hệ đối ngoại nhân dân đối với các nước một cách bài bản; làm tốt công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.

Chủ tịch Hội Việt-Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cho rằng khi đề cập đến ngoại giao nhân dân phải thực sự theo cách tiếp cận “tính nhân dân” của hoạt động này phù hợp chuyển biến của thời cuộc hiện nay. Trong thời kỳ mới, ngoại giao Việt Nam là một nền ngoại giao toàn diện. Vì vậy, ngoại giao nhân dân cần có những cách tiếp cận mới để tìm ra các cách thức hoạt động phong phú, hiệu quả hơn nhằm đóng góp ngày càng nhiều vào việc củng cố địa vị quốc tế của đất nước trên cơ sở phát triển nhanh và bền vững kinh tế, hội nhập quốc tế thành công; hóa giải tốt những thách thức an ninh, chủ quyền và tụt hậu về phát triển. Bài học lớn nhất của ngoại giao nhân dân 65 năm qua là sức mạnh quốc tế của đất nước cũng ở vai trò của nhân dân, ở sự hiểu biết, đồng tình ủng hộ và giờ đây là hợp tác cùng có lợi...

Gần 20 tham luận trình bày tại hội thảo tập trung thảo luận về “Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn hoạt động đối ngoại nhân dân 65 năm qua” và “Đổi mới và phát triển đối ngoại nhân dân trong những năm tới.” Các báo cáo viên đã trình bày các tham luận gồm “Đổi mới và phát triển công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình hiện nay,” “Ngoại giao nhân dân trong công cuộc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông,” “Ngoại giao nhân dân trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi,” “Vai trò của văn hóa trong hoạt động đối ngoại nhân dân,” “Vai trò của giáo dục trong các hoạt động đối ngoại nhân dân thời hội nhập quốc tế,” “Phát huy vai trò hoạt động của đối ngoại nhân dân với người Việt Nam ở nước ngoài,” “Mở rộng và đổi mới công tác vận động phi chính phủ nước ngoài trong giai đoạn mới - Hội nhập quốc tế”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục