Bài 2: Hàng loạt rào cản khi thành lập trung tâm khảo thí độc lập
Theo các chuyên gia, việc thành lập trung tâm khảo thí độc lập cần phải hội đủ nhiều yếu tố, từ uy tín của đơn vị thành lập đến khả năng tài chính. Bên cạnh đó còn cần các chính sách đi kèm chứ không chỉ là sự khuyến khích trên giấy tờ để thúc đẩy sự ra đời của các trung tâm này.
Thách thức về uy tín và tài chính
Việc thành lập trung tâm khảo thí đã được các trường, chuyên gia giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc đến từ khoảng 6-7 năm nay. Tại hội nghị giáo dục đại học các năm 2020, 2021, vấn đề này cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đề cập sôi nổi như một giải pháp hiệu quả cho tuyển sinh.
Cũng tại các hội nghị này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đều cho hay tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 đổi mới theo hướng tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập tổ chức các kỳ thi riêng trên máy tính, thi nhiều lần trong năm để phục vụ thí sinh và công tác tuyển sinh của các trường đại học.
Trong công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đặt mục tiêu “tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.”
Tuy nhiên, vấn đề hiện vẫn khá chìm lắng. Theo Tiến sỹ Lê Đông Phương, đây là một câu chuyện khó. “Thứ nhất là dư luận ở Việt Nam rất khó lường, có ý kiến e ngại liệu có độc lập thực sự không? Thứ hai là việc thành lập trung tâm khảo thí độc lập rất tốn kém, đòi hỏi nhiều nhân lực, công nghệ… Thứ ba là khó cạnh tranh khi các trường có nhiều phương thức xét tuyển,” ông Đông phân tích.
Đây cũng là chia sẻ của Tiến sỹ Lê Trường Tùng. Theo ông Tùng, để đứng ra thành lập trung tâm khảo thí độc lập phải là một đơn vị uy tín vì trung tâm chỉ có thể tồn tại nếu kết quả thi được các trường đại học và thí sinh chấp nhận.
Khó thu hút thí sinh?
Chia sẻ về vấn đề trung tâm khảo thí độc lập, thạc sỹ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng làm thế nào để kỳ thi đủ uy tín cho các trường sử dụng đã khó, để tuyển sinh được từ kỳ thi này còn khó hơn, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều phương thức như hiện nay.
Phân tích cụ thể từ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông Sơn đánh giá đây là kỳ thi uy tín. Sự uy tín này cũng được nhiều trường thừa nhận khi số trường đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ngày càng tăng, dự kiến năm 2023 là khoảng 90 trường. Tuy nhiên, kỳ thi chỉ mới thu hút được số lượng thí sinh rất nhỏ so với quy mô đào tạo, nhu cầu tuyển sinh của các trường.
“Số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 của kỳ thi này năm nay khoảng 91.000 em, con số rất nhỏ so với số 1 triệu thí sinh thi đại học mỗi năm và hàng trăm nghìn chỉ tiêu tuyển sinh của các đại học. Chưa kể trong số này, chỉ khoảng 60% đạt yêu cầu, trong số 60% đó các em lại có thể trúng tuyển theo nhiều phương thức tuyển sinh khác,” ông Sơn chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, số thí sinh xác nhận nhập học đại học bằng điểm các bài thi kiểm tra tư duy, đánh giá năng lực chỉ chiếm tỷ lệ 1,96%, trong đó có tới 1,31% nhập học vào các cơ sở tổ chức thi. Số thí sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực và kiểm tra tư duy để nhập học vào cơ sở giáo dục đại học chỉ sử dụng điểm kỳ thi này để xét tuyển mà không tổ chức thi chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn là 0,65%. Tỷ lệ thí sinh nhập học theo kết quả các kỳ thi văn hóa do các trường tự tổ chức là 0,5%.
Vì số lượng thí sinh dự thi ít, số thí sinh nhập học càng ít, nên dù tin tưởng chất lượng, các trường cũng không thể tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, nhất là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải công khai tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương án trước khi xét tuyển.
Ông Sơn cho hay, năm đầu, Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh dành 10% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, do số thí sinh tuyển được quá ít nên sau đó, nhà trường phải giảm xuống còn 5%. Từ năm 2021, số lượng thí sinh dự thi nhiều hơn, trường nới biên độ chỉ tiêu từ 5 đến 10%.
Với tỷ lệ chỉ tiêu “nhỏ giọt”, thí sinh lại càng dè dặt hơn trong việc tham gia thi hoặc đầu tư công sức cho kỳ thi và xét tuyển bằng phương thức này vì cơ hội hẹp hơn các phương thức khác như xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp và học bạ. Điều này tạo thành vòng tròn luẩn quẩn.
[Nghich lý trong tuyển sinh đại học]
Cũng theo ông Sơn, hiện kỳ thi đánh giá năng lực chủ yếu mới thu hút được thí sinh khu vực thành thị. Thí sinh cũng có tâm lý kỳ thi này chỉ phục vụ cho các đại học tổ chức thi. Bên cạnh đó, việc học sinh học lệch ngay từ lớp 10, thậm chí từ bậc trung học cơ sở, cũng khiến cho các em chưa chú trọng đến kỳ thi này khi đề kiểm tra kiến thức toàn diện, dù không quá khó, trong khi thí sinh lại có quá nhiều cánh cửa khác để vào đại học.
Vẫn là xu thế
Theo Tiến sỹ Lê Trường Tùng, với hàng loạt thách thức, việc một đơn vị tư nhân nào đó đứng ra lập trung tâm khảo thí độc lập rất khó khả thi. “Theo tôi, giải pháp tốt nhất hiện nay là hai đại học quốc gia tách các đơn vị độc lập tổ chức hai kỳ thi đánh giá năng lực,” ông Tùng đề xuất.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng định hướng từng bước xây dựng một trung tâm khảo thí độc lập, chuyên trách thực hiện công tác đánh giá năng lực. Trung tâm sẽ xây dựng phương thức đánh giá chuyên nghiệp, bao gồm công cụ đánh giá (bài thi) và quy trình đánh giá (cách tổ chức thi), phối hợp với các địa phương để thường xuyên và định kỳ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự và các trường sử dụng kết quả để xét tuyển như nhiều quốc gia trên thế giới.
Cũng theo ông Chính, hiện Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo được giao quyền tự chủ rất cao và độc lập về mặt khoa học, chuyên môn với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Việc độc lập về mặt tổ chức, nhân sự có thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nữa hay không là vấn đề còn phải xem xét.
Tuy nhiên, ông Chính cho rằng trung tâm khảo thí không nhất thiết phải độc lập hoàn toàn với cơ sở giáo dục đại học. “Kỳ thi này phục vụ xét tuyển đại học và trong bối cảnh văn hóa Việt Nam thì một kỳ thi gắn với cơ sở giáo dục đại học sẽ uy tín hơn. Mọi người nghe đến trung tâm khảo thí độc lập thường không thuộc đại học nhưng nếu không thuộc đại học thì lấy đâu nguồn chuyên gia? Các trung tâm khảo thí trến giới cũng không hoàn toàn độc lập,” ông Chính chia sẻ.
Tỏ ra khá lạc quan, ông Chính cho hay Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế để có thể phát triển kỳ thi, đó là sự uy tín, nguồn nhân lực, kỳ thi cũng đang phát triển với tốc độ rất nhanh về quy mô và ngày càng được nhiều trường sử dụng để xét tuyển.
Cụ thể, đơn vị này vừa chốt đợt đăng ký dự thi đầu tiên năm 2023 với trên 91.000 thí sinh. Con số cùng đợt của năm 2022 là gần 85.000 em, năm 2021 là gần 70.000 em. Trong khi đó năm 2020, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tổ chức một đợt thi duy nhất và có trên 63.000 thí sinh đăng ký. Con số này của năm 2019 là gần 37.000 và năm 2018 chỉ hơn 4.000 thí sinh.
“Tổng số thí sinh của cả nước khoảng 1 triệu em, trong đó khu vực phía Nam có khoảng 500.000 em. Với hơn 91.000 thí sinh đăng ký, kỳ thi đã thu hút được khoảng 20% thí sinh trong khu vực, đó là số lượng lớn. Chúng tôi hy vọng các năm tới, kỳ thi sẽ thu hút được khoảng 30% thí sinh,” ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, thí sinh có rất nhiều lựa chọn để xét tuyển đại học, như xét tuyển bằng học bạ, bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên ít nhất khoảng 50% thí sinh vẫn có thể đỗ đại học mà không cần dự thi đánh giá năng lực. Những em dự thi là những em thực sự có nhu cầu xét tuyển vào các ngành, trường có tính cạnh tranh cao. Phía các trường đại học cũng có thể xét tuyển mà không cần kỳ thi này.
“Kỳ thi riêng chỉ hỗ trợ các trường tuyển sinh tốt hơn, giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển, đặc biệt là vào các ngành, trường có yêu cầu cao. Các kỳ thi riêng cũng chắc chắn không thể mở quá nhiều vì để thực hiện đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn, đặc biệt là nguồn lực con người,” ông Chính nhấn mạnh.
Bài 1: Tuyển sinh đại học: Việt Nam đang thực hiện “không giống ai”?
Bài 3: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Trung tâm khảo thí độc lập sẽ tự hình thành